- Nhiều người bệnh luôn nghĩ phải kiêng tất cả đường, tinh bột cũng như chỉ uống duy nhất một đơn thuốc đến hết đời.
Người bệnh kiêng hoàn toàn đường, tinh bột
TS. BS Nguyễn Quang Bảy, phụ trách khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BV Bạch Mai cho biết, tỉ lệ người mắc (đái tháo đường) đang tăng chóng mặt.
Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2017, Việt Nam có khoảng 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh tiểu đường, dự kiến đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 6,3 triệu người.
Đáng lưu ý, có tới 70% người Việt mắc bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán và chưa tới 30% người phát hiện bệnh điều trị tại các cơ sở y tế.
TS Nguyễn Quang Bảy |
Dù vậy, ngay cả những trường hợp điều trị tại bệnh viện cũng mắc hàng loạt sai lầm. Sai lầm xuất phát trước tiên từ việc bản thân bệnh nhân không hiểu biết rõ về bệnh của mình hoặc không được tư vấn những kiến thức đầy đủ về chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc điều trị.
Theo TS Bảy, rất nhiều bệnh nhân tiểu đường nghĩ rằng chỉ cần kiêng tất cả các loại đường, tinh bột sẽ giúp kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên đây là sai lầm, do mỗi bữa ăn của bệnh nhân đái tháo đường cần phải có đầy đủ chất và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipit…
Ngoài ăn uống, tập luyện thể dục thể thao cũng kiểm soát đường huyết và tăng hiệu quả điều trị.
Sai lầm nữa nhiều người gặp phải là trong theo dõi đường huyết. Rất nhiều người bệnh khẳng định đã theo dõi đường huyết rất tốt, hàng tuần đều thử đường máu vào buổi sáng khi đói
"Theo dõi đường máu sau ăn là việc làm rất quan trọng, nếu đường máu quá cao sẽ có nhiều biến chứng. Tuy nhiên người bệnh cần theo dõi đường máu cả lúc đói, sau ăn v à không phải chỉ 1 lần/tuần mà theo dõi nhiều lần trong 1 ngày cho đến khi đường máu ổn định mới giảm dần số lần thử", TS Bảy lưu ý.
Song song kiểm soát đường huyết, bệnh nhân đái tháo đường cần theo dõi sát mỡ máu và huyết áp, tuy nhiên việc này thường bị bỏ qua khiến người bệnh dễ mắc thêm nhiều biến chứng.
Chỉ dùng duy nhất 1 đơn thuốc
Hiện nay rất nhiều người bệnh tiểu đường đã và đang điều trị bằng đơn thuốc của người quen hoặc do người thân mách bảo.
Tuy nhiên TS Bảy nhấn mạnh, điều trị tiểu đường là điều trị cá thể chứ không phải điều trị theo bệnh, mỗi bệnh nhân sẽ có mục tiêu điều trị riêng, các thuốc được kê tuỳ theo tình hình sức khoẻ cũng như các bệnh lý đi kèm của bệnh nhân như suy gan, suy thận, suy vành...
"Do đó bệnh nhân tuyệt đối không sử dụng đơn thuốc của người này cho người kia. Nếu dùng chung đơn thuốc, đôi khi người bệnh sẽ phải chịu tác dụng không mong muốn như tình trạng tăng hoặc giảm đường huyết quá mức, thậm chí suy gan, suy thận...", TS Bảy khuyến cáo.
Lại có một nhóm bệnh nhân thường xuyên dùng mãi 1 đơn thuốc. Trong khi con người luôn lão hoá theo tuổi tác, khả năng tiết insulin sẽ giảm dần.
Nhiều bệnh nhân có chỉ định tiêm insulin nhưng thực tế rất ít người mắc tiểu đường đồng ý tiêm do không hiểu lợi ích của điều trị insulin sớm.
Ngoài ra, hầu hết bệnh nhân đái tháo đường thiếu kiến thức cấp cứu hạ đường huyết; chủ quan tự chữa loét bàn chân ở nhà gây nhiều biến chứng.
Loại thuốc đông y chữa tiểu đường trôi nổi được một bệnh nhân tại Hà Nội uống, dẫn tới tử vong |
Đặc biệt, không ít bệnh nhân bỏ tây y, tự ý uống thuốc đông y không rõ nguồn gốc... dẫn tới nhiều nguy cơ. Bằng chứng, từ đầu năm đến nay, BV Bạch Mai đã tiếp nhận 3 trường hợp chuyển đến cấp cứu do tự ý uống thuốc đông y giúp hạ đường huyết, trong đó 2 bệnh nhân đã tử vong.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, 2 mẫu thuốc bệnh nhân mang đến có chứa thành phần Phenphormin - hoạt chất đã bị thế giới cấm sử dụng từ năm 1978.
Trước thực trạng trên, TS Bảy khuyến cáo, mỗi người bệnh đái tháo đường cần được 1 bác sĩ chuyên khoa khám, theo dõi và xây dựng cho riêng mục tiêu điều trị, sử dụng 1 đơn riêng để có thể kiểm soát đường máu hiệu quả nhất cũng như các chỉ số có liên quan khác như huyết áp, mỡ máu, tim mạch... kết hợp ăn uống, tập luyện, điều hỉnh lối sống tích cực.
Thúy Hạnh
2 trong số 3 bệnh nhân vào BV Bạch Mai cấp cứu đã tử vong do tự ý uống thuốc tiểu đường hoàn trị tiểu đường.
Người đàn ông có tới 25 năm làm bạn với rượu bia, hậu quả bàn chân bị biến dạng khớp nặng, sùi thành ụ lớn như súp lơ.
Mới đây dây thìa canh trị tiểu đường đã được ghi vào dược điển Việt Nam - "văn bản quy phạm kỹ thuật quan trọng về tiêu chuẩn hóa thuốc được áp dụng trong toàn ngành Dược".
Ăn quá nhiều thực phẩm "no sugar"; ăn bữa phụ tương đương bữa chính; ăn mà không biết đường huyết mình cao hay thấp… là những sai lầm khi ăn bữa phụ người tiểu đường thường mắc phải.
Thực phẩm bạn ăn có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, trong đó có nhiều loại "siêu" thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa ung thư, tim mạch, tiểu đường.