Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Tai hại nhầm lẫn bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng

Triệu chứng của ung thư đại trực tràng thường giống với bệnh trĩ nên nhiều người chủ quan chỉ chữa trị trĩ mà không nghĩ tới việc tầm soát sớm ung thư đại trực tràng.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, hàng nghìn khách hàng đã tham gia chương trình miễn phí xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng (CEA).

Có mặt từ 7h sáng tại Khoa tiêu hóa, Bệnh viện MEDLATEC tại cơ sở 42 Nghĩa Dũng - Ba Đình - Hà Nội, ông Phan Văn H. ( 56 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) đang chờ tới lượt khám đại tràng.

Ông H. chia sẻ: "Tôi thấy đau và đi ngoài ra máu. Tôi xem thông tin trên mạng và cũng kể với người quen thì thấy triệu chứng giống trĩ. Tôi nhờ người mua thuốc bôi rồi cắt thuốc nam uống gần 2 năm rồi. Lúc đầu đỡ được một thời gian ngắn, sau đau trở lại. Gần đây, tôi thấy bụng dạ khó chịu, uống thuốc mãi không khỏi nên gia đình bảo đi khám xem có bị làm sao không, nên tôi đến bệnh viện MEDLATEC khám".

Không ít trường hợp như ông H, vì chủ quan không nghĩ tới triệu chứng mình gặp có thể là ung thư đại trực tràng nên khi tới bệnh viện, phần lớn người bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Sự nhầm lẫn giữa bệnh trĩ và bệnh ung thư trực tràng

Theo Ths. BS Phí Thị Quang, chuyên gia tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, triệu chứng bệnh trĩ và dấu hiệu ban đầu của ung thư đại trực tràng rất giống nhau nên người bệnh cần phân biệt rõ các triệu chứng bệnh, khi có dấu hiệu bất thường, cần tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám.

BS Quang phân tích, bệnh trĩ (dân gian thường gọi bệnh lòi dom) là hậu quả của việc áp lực trong các tĩnh mạch hậu môn tăng lên. Áp lực tăng lên này khiến cho các tĩnh mạch bị ứ đọng máu, làm cho người bệnh khó chịu và đau, đặc biệt là khi ngồi.

Bệnh trĩ được chia làm hai dạng, tùy thuộc vào vị trí xảy ra, bao gồm:

Trĩ nội: liên quan đến các búi tĩnh mạch bên trong trực tràng. Trĩ nội thường gây chảy máu nhưng không gây đau. Khi các búi trĩ to lên, chúng có thể lồi ra ngoài hậu môn, tình trạng này gọi là sa búi trĩ.

Trĩ ngoại: liên quan đến các tĩnh mạch xung quanh hậu môn. Trĩ ngoại có thể gây ngứa hoặc đau và đôi khi có thể kèm theo chảy máu.

Nguyên nhân có thể do táo bón, tiêu chảy nhiều lần, mang thai hoặc những thói quen không tốt như ngồi quá lâu khi đi vệ sinh.

Tai hại nhầm lẫn bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng

Còn ung thư đại trực tràng hay còn gọi là ung thư ruột già, là một loại ung thư hay gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Ung thư đại trực tràng có thể gặp ở bất cứ vị trí nào của của đại tràng trực tràng, đại tràng sigma, đại tràng xuống, đại tràng ngang, đại tràng lên và manh tràng.

 

Dấu hiệu của ung thư đại trực tràng thường là rối loạn đại tiện, đi ngoài hoặc táo liên tục trong thời gian dài. Ung thư đại trực tràng cũng có dấu hiệu có lẫn máu trong phân, tuy nhiên, khác với bệnh trĩ, ung thư đại trực tràng thường tiết dịch nhầy, phân lỏng và nhỏ khi đi đại tiện. Ngoài ra, ung thư đại trực tràng uống kháng sinh không khỏi, người sút cân nhanh chóng.

Việc xác định cơ thể bị trĩ hay ung thư đại trực tràng khá quan trọng vì phương pháp cũng như hiệu quả điều trị của từng bệnh hoàn toàn khác nhau.

Những người cần tầm soát ung thư đại trực tràng

PGS. TS Đoàn Hữu Nghị (Nguyên GĐ bệnh viện E - Hà Nội), chuyên gia Ung bướu bệnh viện MEDLATEC cho biết, hầu hết, các ca mắc ung thư đại trực tràng thường không có nguyên nhân rõ ràng, tuy nhiên những người nằm trong số này có nguy cơ mắc cao:

- Những người trong độ tuổi 40-50;

- Gia đình có tiền sử bị bệnh này;

- Có tiền sử polyp đại tràng;

- Đã từng mắc chứng viêm ruột;

- Có thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày không khoa học: ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm tồn dư chất tăng trưởng, bảo quản, ăn nhiều thực phẩm lên men, ăn nhiều đồ chiên dầu, mỡ, uống rượu bia v.v….

Cũng theo PGS. TS Đoàn Hữu Nghị, ung thư đại trực tràng nếu phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi bệnh lên tới hơn 90%. Vì vậy, bệnh nhân cần khám sức khỏe định kỳ và thấy các triệu chứng bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế.

Tai hại nhầm lẫn bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng

Minh Tuấn

 

Bài đăng phổ biến