- Bé gái liên tục nôn, gia đình nghĩ con mắc thương hàn nên đưa đi khám. Kết quả khiến cả nhà sững sờ khi bác sĩ thông báo 95% có nguy cơ tử vong.
Bé Yến Nhi (10 tuổi, Hải Phòng) bắt đầu bị nôn nhiều đúng ngày khai giảng 5/9 vừa qua khiế bé phải nghỉ học. Thời điểm đó, gia đình chỉ nghĩ đơn giản bé bị cảm thông thường.
Sau đó thỉnh thoảng bé hay kêu đau đầu, nôn khi ăn và tình trạng tăng dần. Sợ con bị thương hàn, gia đình đã đưa Yến Nhi đi khám ở quê nhiều lần nhưng không ra bệnh. Giữa tháng 9, bé nôn dữ dội cả ngày, được gia đình chuyển đến một BV ở Hà Nội thăm khám, bác sĩ phát hiện trong não có khối u.
Khối u kích thước lớn trong não giữa bệnh nhi |
"Bác sĩ thông báo trường hợp này nếu phẫu thuật, 95% thất bại do khối u lớn, nguy cơ cao ác tính nên gia đình chần chừ không dám mổ. Mổ ra đúng khối u ác tính lại phải hóa trị, xạ trị với sức khỏe hiện tại của cháu làm sao chịu nổi", bà Vũ Thị Quế, 70 tuổi, bà ngoại của bé Nhi nhớ lại.
Thương con nhưng không dám mạo hiểm, gia đình đưa bé về nhà uống thuốc nam nhưng không biến chuyển. Cuối tháng 9, bé rơi vào hôn mê, được chuyển vào BV K cấp cứu như một cơ hội cuối cùng.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi, TS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, BV K cho biết, khối u lớn, kích thước 6x7cm nằm ở vị trí trung tâm não, ảnh hưởng rất nhiều chức năng quan trọng, khối u gây ứ nước trong não.
Để cứu tính mạng ngay tức thì, bệnh nhi được mổ dẫn lưu dịch não tủy. Rất may chỉ sau 3 ngày hồi sức trẻ đã tỉnh táo.
Tuy nhiên bài toán đặt ra là có nên mổ khối u cho bệnh nhi vì khối u quá lớn, nếu u ác tính, việc mở hộp sọ là vô nghĩa. Để chắc chắn, bệnh nhi được chỉ định sinh thiết xác định u ác hay u lành.
Bệnh nhi hồi phục tốt sau phẫu thuật |
Kết quả thu được, bác sĩ nghĩ nhiều đến u máu khổng lồ ở vị trí giữa não, là bệnh hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Biện pháp duy nhất cứu bé là mổ song rủi ro quá lớn.
Chỉ một chút sơ sẩy nhỏ có thể để lại những biến chứng như đi tiểu hàng chục lít một ngày, có trường hợp bỏ ăn, không muốn ăn hoặc bị cuồng ăn. Thậm chí, trẻ có thể trở nên ngớ ngẩn, mất nhận định về thời gian, không gian.
Ngày 14/11, trẻ được mổ bóc tách khối u. Ca mổ kéo dài 4 tiếng, các bác sĩ lấy được toàn bộ khối u mà không làm tổn thương cấu trúc xung quanh. Đường mở xương sọ nhỏ chỉ 4 cm dù khối u ở vị trí rất sâu.
Nhờ đường mổ ít xâm lấn, sau mổ 1 ngày bệnh nhi đã tỉnh táo. Sau 2 ngày, trẻ có thể ngồi, nói chuyện được. Ngày thứ 4, bệnh nhi đi lại được và sẽ xuất viện trong một vài ngày tới.
Kết quả sinh thiết khối u là u máu thể hang khổng lồ, là bệnh lý u lành tính. Nhìn cháu gái hoạt bát, cười nói vui vẻ, bà Quế không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc. Ít ai biết, cách đây 1 tháng, gia đình đã có những lúc nghĩ sẽ rời xa cô bé mãi mãi.
Thúy Hạnh
Khối máu tụ trong não bệnh nhân không ngừng lan rộng, buộc bác sĩ phải mở hộp sọ để cứu bệnh nhân.
Sau điều trị đột quỵ, người đàn ông 37 tuổi đột ngột yếu nửa người trái, mắt trái nhìn mọi vật từ 1 thành 2.
Sau khi thấy biểu hiện bất thường như mới 26 tuổi đã yếu sinh lý, khát nước rất nhiều, chàng trai đã đến bệnh viện kiểm tra và chết lặng khi bác sĩ thông báo mắc ung thư.
Không ít quý ông đến nam khoa khám vì... yếu bất thường nhưng không ra bệnh, đến khi chụp chiếu phát hiện trong não có khối u.