Khi nhắc đến phô mai, hầu như mọi người sẽ nghĩ: "Ăn vào béo lắm!" Tuy nhiên đó lại là nhận định sai lầm và thiếu căn cứ về giá trị dinh dưỡng của phô mai.
"Nỗi oan" mang tên béo phì
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (quận Tân Bình, TP.HCM) là mẫu người "sợ hãi mọi thể loại chất béo". Trong gia đình, chị ít dùng dầu mỡ khi chế biến, trung thành với các món, hấp luộc dù chồng con chị vẫn "năn nỉ" chị thi thoảng nên thay đổi cách nấu nướng để ngon miệng hơn. Chị cũng hạn chế phô mai - món ăn mà hai đứa con chị rất thích vì hương thơm và vị "béo béo mịn mịn của sữa". Chung quy lại cũng vì một nỗi lo… sợ béo!
Theo chuyên gia dinh dưỡng Đào Thị Yến Thủy - Trưởng Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, một viên phô mai tam giác 15g thì cung cấp năng lượng là 39 kcal, không phải là một "đóng góp quá lớn" cho khẩu phần ăn trong ngày của một người. Với 3.2g chất béo trong một viên phô mai tam giác thì thì không có gì là "quá đáng", trong khi nhu cầu chất béo cần khoảng 20g/người/ngày (Theo số liệu từ tháp dinh dưỡng được xây dựng bởi Viện Dinh Dưỡng quốc gia)
Nếu so sánh phô mai với một số thức ăn vặt giàu chất béo và thức uống giàu năng lượng rỗng (loại năng lượng chỉ được sinh ra từ chất đường, dễ gây tích tụ mỡ) khác thì phô mai vẫn "ít béo" hơn. Một số thức ăn vặt như jambon, chả chiên chả quế, lạp xưởng, bánh phồng tôm… có hàm lượng chất béo cao hơn nhiều lần so với phô mai.
(Theo số liệu cung cấp từ chuyên gia dinh dưỡng Đào Thị Yến Thủy, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc) |
Theo tháp dinh dưỡng được xây dựng bởi Viện Dinh Dưỡng quốc gia, nhu cầu chất béo của 1 người trong 1 ngày cần khoảng 20g nên việc ăn mỗi ngày chỉ 1-2 cục phô mai tam giác (tương đương từ 3.2 - 6.4g chất béo) thì không thể gây tăng cân không mong muốn hay béo phì, trừ trường hợp ăn thêm quá nhiều các thực phẩm béo ngọt khác và ít vận động thể lực.
Khi tính toán về cân bằng năng lượng giữa năng lượng thu nhận trong ngày (tổng năng lượng từ thức ăn, nước uống đưa vào cơ thể) và năng lượng tiêu hao (năng lượng để duy trì cơ thể và vận động), nếu cán cân này đạt mức cân bằng thì cơ thể sẽ không bị tăng cân. Tuy nhiên, chỉ cần mỗi ngày bị dư ra khoảng 70 kcal (khoảng 1 trái chuối to hay 12g khoai tây chiên) trong 7 ngày liên tiếp thì sẽ tăng 0,5 kg, kéo dài trong 1 tháng thì sẽ tăng 2 kg, đến 1 năm thì từ một người bình thường sẽ thành người béo phì. Vì thế, nếu kiêng ăn phô mai mà lại ăn nhiều tinh bột, hoa quả có chứa đường, thức ăn vặt giàu chất béo, nước uống chứa năng lượng rỗng… trong khi không tập thể dục, vận động mỗi ngày thì béo phì là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Giá trị dinh dưỡng ít được biết đến của phô mai
Các khảo sát chế độ ăn người Việt cho thấy hầu hết các đối tượng đều bị thiếu canxi (chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu), vì lẽ đó mà năm 2016, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam đã đưa ra khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt, trong đó đã nêu ra người dân ở các độ tuổi nên dùng phối hợp sữa và các chế phẩm của sữa mỗi ngày. Cũng theo khuyến nghị mỗi người nên bổ sung 1-2 viên phô mai (15g) bên cạnh việc dùng sữa nước và sữa chua trong chế độ ăn hàng ngày.
Trong khi đó trẻ em cần chất béo để cung cấp năng lượng cho tăng trưởng và cấu trúc não bộ, hoàn thiện hệ thống thần kinh. Mỗi chén cháo của trẻ cần 5-7 ml dầu ăn cũng là 5-7g chất béo cần thiết, nhân với 3 bữa ăn trong ngày thì cũng xấp xỉ 20g chất béo mỗi ngày. Trong vô vàn các loại thức ăn có chất béo, phải tỉnh táo lựa chọn những thức ăn nào có béo tốt hơn cho sức khỏe. Ví dụ nửa muỗng cà phê dầu mỡ thì chỉ có chất béo và một ít vitamin E thôi, nhưng với một viên phô mai tam giác 15g cũng cung cấp chừng đó chất béo nhưng có thêm 105mg canxi (tương đương 100g sữa chua hay 100 ml sữa nước), đường lactose giúp hấp thu canxi, vitamin D chống còi xương, vitamin A, kẽm, I ốt,…
Dù là người lớn hay trẻ nhỏ chỉ cần kết hợp chế độ dinh dưỡng cân đối, khoa học cũng như vận động hợp lý thay vì ngồi một chỗ xem ti-vi, ipad, tránh xa stress or gây áp lực cho con trong việc học hành thì nỗi ám ảnh "béo phì" sẽ không xảy đến với gia đình bạn!
Doãn Phong