Quyền lợi cụ thể của bệnh nhân BHYT, quy định mới về hỗ trợ phí KCB, chi trả KCB trái tuyến, đối tượng - mức đóng BHYT... đã được chuyên gia Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình bày kỹ trong 2 giờ giao lưu.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2018. Theo đó, có 5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.
Quyền lợi của người bệnh được nới rất rộng, như sẽ vẫn được thanh toán BHYT nếu nơi điều trị gửi mẫu xét nghiệm đến nơi khác, nếu được chuyển điều trị trái tuyến, hay trong trường hợp thẻ BHYT hết hạn khi đang điều trị dở.
Nghị định 146 đồng thời bổ sung nhiều nhóm đối tượng được hỗ trợ tham gia BHYT; nhóm tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình; nhóm do người sử dụng lao động đóng BHYT. Các quy định này đảm bảo tính công bằng trong việc thực hiện chế độ chính sách ưu đãi xã hội, không bỏ sót đối tượng tham gia BHYT, góp phần tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT.
Một quy định nổi bật của Nghị định 146 là, thay vì khống chế tỷ lệ khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế dưới 20%, thì nay, giao quỹ khám, chữa bệnh cho cơ sở khám, chữa bệnh. Nhờ vậy, người dân có thể khám bệnh và làm các xét nghiệm ngay tại cơ sở y tế xã; nhất là bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, sẽ yên tâm khám chữa gần nơi cư trú; tiết kiệm được công sức, tiền bạc và thời gian.
Vấn đề đặt ra là, liệu Nghị định 146, dù xóa bỏ nhiều quy định bất lợi đối với người tham gia BHYT và gỡ rào cản cho y tế cơ sở trong khám, chữa bệnh, có làm chậm dòng chảy bệnh nhân đổ về tuyến trên, cải thiện niềm tin của dân vào chất lượng y tế cơ sở, tăng sức hấp dẫn của tấm thẻ BHYT với người mua?
Để giải đáp thắc mặc của bạn đọc về quy định mới liên quan BHYT, khách mời đã có mặt trong Giao lưu trực tuyến "Thêm nhiều quyền lợi BHYT từ 1/12/2018"
Khách mời:
- Ông Lê Văn Khảm- Vụ trưởng Vụ Bảo Hiểm (Bộ Y tế)
- Ông Nguyễn Tất Thao- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).
|
Ông Lê Văn Khảm- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Y tế) nhận hoa kỉ niệm từ bà Hoàng Thị Bảo Hương- Phó Tổng Biên tập báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng |
NỘI DUNG GIAO LƯU
Nguyễn Khánh Hưng , Nam - 33 Tuổi
Xin ông cho biết những quyền lợi cụ thể của bệnh nhân BHYT kể từ khi Nghị định 146 có hiệu lực, 1/12/2018?
Ông Lê Văn Khảm:
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được ngân sách NN đóng BHYT và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi.
- Trường hợp người đi khám chữa bệnh không đúng thủ tục, khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng BHYT được thanh toán trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội với mức hưởng tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tương đương là không quá 0,15 lần mức lương cơ sở đối với khám chữa bệnh ngoại trú và không quá 0,5 lần khi khám chữa bệnh nội trú; đối với tuyến tỉnh và tương đương tối đa không quá 1 lần mức lương cơ sở đối với điều trị nội trú; tại tuyến trung ương không quá 2,5 lần mức lương cơ sở đối với khám chữa bệnh nội trú.
- Trường hợp đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được cơ sở khác thì được quỹ bảo hiểm thanh toán như đi khám chữa bệnh trái tuyến. Trừ trường hợp cấp cứu hoặc tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở.
- Trường hợp đang điều trị nội trú thẻ hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng.
- Trường hợp người bệnh được cơ sở y tế tuyến trên chẩn đoán chỉ định điều trị và chuyển về trạm y tế xã để quản lý theo dõi cấp phát thuốc cũng được hưởng quyền lợi theo quy định.
Đức Trung , Nam - 39 Tuổi
Thưa ông khi chúng tôi đi khám bệnh tại một bệnh viện, thường phải làm rất nhiều xét nghiệm để tìm bệnh. Tôi nghe nói theo quy định mới, bệnh viện sẽ chấp nhận kết quả xét nghiệm ở 1 cơ sở không có chức năng điều trị nhưng máy móc hiện đại hơn, uy tín xét nghiệm cao hơn, và BHYT vẫn chi trả cho các xét nghiệm này phải không ạ?
Ông Nguyễn Tất Thao: Theo quy định tại Khoản 6, Điều 27 của Nghị định số 146/NĐ-CP, trường hợp cơ sở KCB không thực hiện được xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng và phải chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm đến cơ sở KCB BHYT khác hoặc cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt đủ điều kiện để thực hiện các dịch vụ đó, thì vẫn được quỹ BHYT thanh toán chi phí thực hiện dịch vụ trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định cho cơ sở KCB nơi chuyển người bệnh, mẫu bệnh phẩm. Cơ sở KCB chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm có trách nhiệm thanh toán chi phí cho cơ sở KCB hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ, sau đó tổng hợp vào chi phí KCB của người bệnh để thanh toán với cơ quan BHXH.
Nghị định cũng quy định rõ Bộ trưởng Bộ Y tế quy định nguyên tắc, danh mục xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ.
|
Ông Nguyễn Tất Thao- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) tham gia giao lưu tại Tòa soạn báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ngân , Nữ - 51 Tuổi
Thưa ông, tôi hiểu là theo quy định 146, từ 1/12/2018 các cơ sở y tế xã được quản lý sử dụng 100% quỹ BHYT, sẽ thoải mái tiếp nhận khám điều trị bệnh nhân, khỏi cần chuyển tuyến. Nhưng khi mà người dân có thói quen chọn bệnh viện lớn thì liệu quy định mới có giúp tăng niềm tin vào y tế xã, và sẽ tăng bằng cách nào thưa ông?
Ông Lê Văn Khảm: Theo nghị định 146 không thực hiện việc áp dụng tỷ lệ quỹ được sử dụng tại các trạm y tế xã. Các trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh theo phạm vi chuyên môn quy định, quỹ BHYT thanh toán theo chi phí thực tế sau khi được cơ quan BHXH giám định. Với quy định này quyền lợi của người bệnh tại trạm y tế xã và hoạt động chuyên môn của trạm y tế xã được đảm bảo và góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Minh Vĩnh , Nam - 45 Tuổi
Thưa ông theo quy định mới, như thế nào thì được gọi là tham gia BHYT 5 năm liên tục, và như vậy thì khác gì so với trước?
Ông Nguyễn Tất Thao: Thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước có đủ 5 năm, trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng, trừ một số trường hợp cụ thể quy định tại khoản 5 điều 12 nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Quy định này không khác so với quy định cũ tại luật BHYT.
Mai Lan, Nữ - 44 Tuổi
Có thay đổi gì với gói BHYT hộ gia đình, thưa ông? Trước đây, toàn bộ thành viên gia đình buộc phải tham gia BHYT cùng một thời điểm thì mới mua được gói bảo hiểm này. Vậy Nghị định 146 có điều chỉnh cải thiện nào không? Và có bổ sung đối tượng tham gia BHYT để toàn dân được tham gia?
Ông Lê Văn Khảm: Nghị định 146 không quy định tất cả các thành viên phải tham gia BHYT cùng lúc mà chỉ quy định thành viên hộ gia định tham gia BHYT trong cùng năm tài chính được giảm trừ mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi.
Nghị định có bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT như: dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, thân nhân của công nhân viên chức quốc phòng, thân nhân của công nhân viên chức công an, chức sắc chức việc, nhà tu hành, người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội.
|
Ông Lê Văn Khảm trả lời câu hỏi bạn đọc báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Hải Nam, Nam - 37 Tuổi
Từ 1/12/2018 người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc, xin ông nói rõ hơn về điều này! Cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan BHXH chỉ được phép quy định những thủ tục khám chữa bệnh BHYT nào ạ. Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Tất Thao: Thủ tục khám chữa bệnh BHYT được quy định tại điều 15 nghị định số 146/2018/NĐ-CP (cơ quan BHXH không quy định thêm các thủ tục khám chữa bệnh BHYT nào khác).
Võ Hoàng Hải , Nam - 41 Tuổi
Tôi bị bệnh Viêm Gan B mạn tính, điều trị liên tục từ 11/2013 đến nay tại Trung Tâm Hòa Hảo (Tp.HCM) không có thanh toán BHYT. Cứ 3 tháng tái khám lấy thuốc 1 lần (uống mỗi ngày), 1 lần khám như thế tốn chi phí 8-10 triệu đồng. Thuốc hiện đang uống không có trong danh mục BHYT, còn thuốc tương tự BHYT có thì BS nói là bệnh tôi kháng thuốc đó rồi. Loại thuốc đang uống là loại mới nhất để ức chế sự phát triển của virus siêu vi B. Trường hợp của tôi có được thanh toán BHYT không? Nếu được thì tôi phải làm thủ tục gì để được thanh toán BHYT (BHYT của tôi là Cơ yếu). Xin chân thành cảm ơn.
Ông Lê Văn Khảm: Quỹ BHYT chỉ thanh toán chi phí về thuốc nếu các thuốc đó có trong danh mục thuốc BHYT do Bộ Y tế ban hành. Trường hợp của ông không nói rõ là loại thuốc nào, ông có thể liên hệ trực tiếp với bệnh viện hoặc Trung tâm Hòa Hảo để được giải thích rõ.
Hữu Văn Chinh, Nam - 35 Tuổi
Quy định mới có thay đổi gì liên quan quyền lợi bệnh nhân BHYT khi đi KCB tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT, hoặc KCB không đúng thủ tục? Cảm ơn ông.
Ông Nguyễn Tất Thao: Người có thẻ BHYT đi KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện không ký KCB BHYT hoặc điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến TW không ký hợp đồng KCB BHYT hoặc tại cơ sở đăng ký KCB ban đầu nhưng không xuất trình thẻ BHYT (hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh): người bệnh cũng được điều chỉnh mức quyền lợi khi đến đây khám chữa bệnh. BHYT sẽ thanh toán theo tỷ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện nơi người bệnh đến khám chữa bệnh (quy định cụ thể tại Điều 30 NĐ 146).
Quỳnh My , Nữ - 32 Tuổi
Thời điểm hiện tại nước ta đã có bao nhiêu người có BHYT, đã chi trả khám chữa bệnh BHYT trong năm nay bao nhiêu?
Ông Lê Văn Khảm: Hiện nay đã có khoảng 82 triệu người tương đương 87% dân số tham gia BHYT. Năm 2017, đã có gần 170 triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, được quỹ BHYT thanh toán với chi phí khoảng 90 nghìn tỷ đồng. Dự báo con số này sẽ tăng lên trong năm 2018.
Hữu Văn Chinh , Nam - 35 Tuổi
Quy định mới có thay đổi gì liên quan quyền lợi bệnh nhân BHYT khi đi KCB tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT, hoặc KCB không đúng thủ tục? Cảm ơn ông.
Ông Nguyễn Tất Thao: Người có thẻ BHYT đi KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện không ký KCB BHYT hoặc điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến TW không ký hợp đồng KCB BHYT hoặc tại cơ sở đăng ký KCB ban đầu nhưng không xuất trình thẻ BHYT (hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh): người bệnh cũng được điều chỉnh mức quyền lợi khi đến đây khám chữa bệnh. BHYT sẽ thanh toán theo tỷ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện nơi người bệnh đến khám chữa bệnh (quy định cụ thể tại Điều 30 NĐ 146).
|
Ông Nguyễn Tất Thao trả lời trực tuyến bạn đọc báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Phạm Đức Kiên , Nam - 42 Tuổi
Với những quy định mới này, nếu tôi muốn khám chữa bệnh trái tuyến thì có gì bất lợi hơn không, thưa ông?
Ông Lê Văn Khảm: Luật BHYT đã quy định về quyền lợi khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến. Theo đó, khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh thì mức hưởng là 60% chi phí điều trị nội trú, tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; quỹ BHYT không chi trả chi phí khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương đối với trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú. Đề nghị ông, bà đi khám chữa bệnh đúng tuyến để được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định.
Phan Văn Hiến , Nam - 81 Tuổi
Tôi thuộc diện được BHYT 100%, gần đây được bác sĩ khám bệnh giải thích: Quỹ BHYT có khó khăn nên một số loại thuốc đắt tiền, BS kê đơn, người bệnh tự mua. Có đúng vậy không?
Ông Nguyễn Tất Thao: Theo quy định tại điểm b, khoản 2 điều 21 nghị định số 146/2018/NĐ-CP, cơ sở KCB có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật phù hợp tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y Tế, không để người bệnh phải tự mua. Vì vậy, việc bác sĩ giải thích như trên là không đúng.
Phạm Thanh Thi , Nữ - 46 Tuổi
Xin ông thông báo rõ các trường hợp được BHYT hỗ trợ 100% phí khám chữa bệnh theo Nghị định mới! Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Tất Thao: Theo quy định tại nghị định số 146/2018/NĐ-CP, đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: trước đây quy định mức hưởng 100%, có áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật, theo quy định mới mức hưởng vẫn là 100% nhưng không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán.
Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng: tăng từ 80% lên 100% để đảm bảo công bằng với các đối tượng bảo trợ xã hội trên 80 tuổi khác.
Ngân Chi , Nữ - 36 Tuổi
Tôi có đọc qua thông tin thời gian gia hạn BHYT đã linh hoạt hơn. Mong ông giải thích giúp về điều này.
Ông Nguyễn Tất Thao: Theo quy định mới, một số trường hợp không phải đóng BHYT những vẫn được hưởng quyền lợi KCB BHYT như:
+ Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng;
+ Trẻ em đủ 72 tháng tuổi nhưng sinh trước ngày 30/9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi;
+ Trẻ em đủ 72 tháng tuổi sinh sau ngày 30/9 nhưng vào các ngày trong tháng thì thẻ được cấp đến hết tháng sinh.
+ Trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng, Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh.
+ Người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng.
|
Trực tuyến: Những quy định mới về BHYT từ 1/12/2018. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thu Hằng , Nữ - 39 Tuổi
Thưa ông có quy định mới nào về việc đóng BHYT từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng đặc biệt không? Ví dụ, người nghèo, người có công, hoặc trẻ em chỉ có giấy chứng sinh mà chưa có BHYT...?
Ông Nguyễn Tất Thao: Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã quy định thêm một số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT, cụ thể là:
- Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã được hưởng trợ cấp theo quy định số 49/2015/QĐTTD của Thủ tướng Chính Phủ.
- Người được phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở của Chính phủ.
- Người từ đủ 80 tuổi trợ lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định của pháp luật về BHXH.
- Đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi vẫn được ngân sách nhà nước đóng BHYT như quy định của luật BHYT.
Nguyễn Quang Dũng , Nam - 40 Tuổi
Xin cho biết chế độ thanh toán như thế nào khi tham gia đủ BHYT 5 năm liên tục và không đủ 5 năm liên tục?
Ông Nguyễn Tất Thao: Trường hợp người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm (trong các trường hợp đi KCB đúng tuyến) lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì người bệnh được cơ quan BHXH cấp giấy xác nhận không cùng chi trả trong năm đó. Khi đến KCB đúng tuyến tại cơ sở KCB người bệnh xuất trình kèm theo giấy xác nhận không cùng chi trả trong năm sẽ được miễn cùng chi trả chi phí KCB.
Lê Ngọc Tịnh , Nam - 64 Tuổi
Tôi nhập ngũ tháng 3 năm 1979. Sau môt tháng huấn luyện tân binh tôi được cử theo học tại trường Hạ sỹ quan của Quân khu III. Sau khi tốt nghiệp, tôi về công tác tại bộ tư lệnh quân đoàn 68 đóng ở Nam Vân, Nam Ninh, Nam Định. Khi có chính sách cắt giảm quân số, tôi chuyển ngành về dạy học. Hiện nay tôi đã nghỉ hưu, là hội viên Hội CCB. Vậy tôi có được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh?
Ông Lê Văn Khảm: Theo quy đinh của luật BHYT và nghị định 146, người tham gia BHYT theo từng nhóm xác định theo thứ tự như sau:Nhóm do người sử dụng lao động và người lao động đóng; nhóm do BHXH đóng; nhóm do NSNN đóng, nhóm do NSNN hỗ trợ đóng BHYT, Nhóm do người sử dụng lao động đóng.
Về quyền lợi: Người thuộc nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì được hưởng quyền lợi cao nhất của đối tượng có mức hưởng cao nhất.
Do thông tin ông cung cấp chưa đầy đủ, ông có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ để được giải thích, hướng dẫn cụ thể.
Khương Duy , Nam - 29 Tuổi
Câu hỏi xin gửi đến khách mời đến từ BHXH Việt Nam: Nghị định 146 quy định điều gì để quản lý tốt quỹ BHYT tại các cơ sở y tế.
Ông Lê Văn Khảm: Quy định về quỹ BHYT trong nghị định này đã phản ánh nguyên tắc quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất, có sự chia sẻ giữa các địa phương, cơ sở khám chữa bệnh. Về quản lý quỹ BHYT đã được quy định tại Luật BHYT. Trong nghị định 146 có các điều khoản liên quan đến việc quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở Y tế như: Quy định về ứng dụng thông tin trong quản lý khám chữa bệnh trong BHYT; quy định lộ trình thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm; quy định về nguyên tắc thanh toán theo định suất; quy định về quyền lợi khi đi khám chữa bệnh; điều chỉnh tỷ lệ, điều kiện để trích chuyển kinh phí cho khám chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ quan, trường học; quy định về tổng mức thanh toán.
Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến khách mời
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!
VietNamNet