Sau ca phẫu thuật, hàng đoàn người đủ lứa tuổi, nghề nghiệp đến từ mọi miền đất nước đã đến thăm hai anh em và động viên ê kíp mổ.
Ngày 4-10, BV Từ Dũ và Làng Hòa Bình (BV Từ Dũ, TP.HCM) đã tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày mổ tách đôi cặp song sinh Việt-Đức. Tại đây, người anh em song sinh còn sống là anh Nguyễn Đức đã có cuộc hội ngộ đầy xúc động với những người "cha" bác sĩ (BS) đã cho anh cuộc sống mới.
Hình ảnh cặp song sinh dính liền 30 năm về trước
Cũng chính ngày này vào 30 năm trước (4-10-1988), ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh được thực hiện với sự tham gia của ê kíp bao gồm 70 giáo sư, BS đầu ngành của Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Ca phẫu thuật kéo dài 12 tiếng đã thành công tốt đẹp và đi vào lịch sử y học Việt Nam.
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, thầy thuốc nhân dân, bày tỏ xúc động khi gặp lại những người thầy, anh chị em đồng nghiệp, những người góp phần giúp ca mổ thành công.
"Và điều đặc biệt vui mừng không thể tả xiết đó là sau cuộc mổ, Đức có cuộc sống độc lập, đã có vợ, sinh con, cuộc sống rất hạnh phúc. Điều này có ý nghĩa nhân văn rất lớn đối với một con người" - BS Phượng bày tỏ.
Anh Nguyễn Đức (thứ ba, từ trái sang) cùng vợ con hội ngộ êkíp mổ 30 năm trước. Ảnh: HL
GS-TS- BS Trần Đông A, Thầy thuốc Nhân dân, Trưởng kíp kiêm phẫu thuật viên chính bồi hồi nhớ lại ca mổ lịch sử chẳng những khó đối với Việt Nam mà cả thế giới lúc bấy giờ. Sau ca mổ, hàng đoàn người, gồm đủ lứa tuổi nghề nghiệp, đến từ mọi miền đất nước đã đến thăm hai anh em và êkíp mổ trong những ngày sau mổ khiến êkíp mổ rất xúc động và được động viên tinh thần.
Mặt khác, ca mổ cũng được coi là một dấu ấn đặc biệt trong quan hệ 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước Việt Nam - Nhật Bản.
"Đó là khi người anh Việt của cặp song sinh gặp hội chứng não cấp năm 1986, có thể đột tử bất cứ lúc nào kéo theo người em, Nhật Bản đã bỏ tất cả ràng buộc về chính trị, an ninh để đưa Việt - Đức đến nơi có đủ điều kiện nhất để cấp cứu bằng một chuyên cơ đi thẳng từ phi trường Narita Tokyo đến Tân Sơn Nhất, TP.HCM và ngược lại.
Chính việc này làm cho ca mổ Việt - Đức được ghi nhớ lâu dài như kết quả của tình nhân đạo cao cả và sự đoàn kết quốc tế thực sự. Ca mổ mãi là biểu tượng nhân văn, tỏa sáng, kết nối tình người như cố Viện sĩ -Tiến sĩ Dương Quang Trung đã nói cách đây 10 năm" - BS Trần Đông A xúc động kể lại.
Cuộc sống của anh Đức (giữa) hiện nay như một phần thưởng cho êkíp mổ ngày ấy. Ảnh: HL
Với anh Việt, dù sống đời thực vật trước khi mổ, lại có hậu môn nhân tạo và lỗ thông tiểu rất gần nhau trên thành bụng mà vẫn sống được 19 năm sau mổ là một kỳ tích về y đức và sự chăm sóc nhiệt thành của Ban lãnh đạo và cán bộ Công nhân viên làng Hòa Bình, BV Từ Dũ.
Riêng anh Đức, nay đã là một thanh niên 37 tuổi đã có gia đình nhỏ và hai con trai và gái. Đó là điều chưa hề có trong lịch sử y khoa thế giới qua 19 ca tương tự đã được công bố.
"Cuộc sống của Đức và gia đình nhỏ hiện nay là phần thưởng chung cho tất cả những ai đã tham gia vào ca mổ lịch sử này, kể cả các bạn Nhật Bản và Hội vì sự phát triển của Việt-Đức", GS-TS-BS Trần Đông A cho biết.
Hai bé Phú Sĩ và Anh Đào lớn lên khỏe mạnh. Ảnh: HL
Tay trong tay cùng vợ và hai đứa con xinh xắn, anh Đức bày tỏ lòng biết ơn với sự giúp đỡ tận tình của các BS đã giúp anh như được tái sinh lần nữa trong cuộc đời này.
"Do vậy, mỗi ngày tôi luôn nhắc nhở bản thân phải sống tốt, sống thật ý nghĩa để đền đáp lại công ơn của những người cha, người mẹ thứ 2 đã đem tôi đến cuộc đời này", anh Đức chia sẻ.
Ca mổ lịch sử Nguyễn Việt và Nguyễn Đức sinh ngày 25-2-1981 tại Kon Tum trong hình dạng dính liền vào nhau ở phần bụng, có chung hậu môn và bộ phận sinh dục, có hai chân và một chân cụt. Hai bé được đưa ra BV hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) để chăm sóc, chữa trị. Tên BV Việt - Đức sau đó được sử dụng để đặt cho cả hai anh em. Một năm sau, hai anh em được chuyển vào BV Từ Dũ TP.HCM để theo dõi. Năm lên sáu tuổi, Việt gặp hội chứng não cấp rơi vào hôn mê, có thể đột tử bất cứ lúc nào và được đưa qua Nhật Bản chữa trị nhưng không thành công. Trước nguy cơ Đức sẽ chết nếu chẳng may Việt qua đời, BV Từ Dũ quyết định tách rời cặp song sinh dính liền nhau. Ngày 4-10-1988, Việt và Đức đã được êkíp mổ với sự tham gia của 70 y bác sĩ Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác do BS Trần Đông A làm trưởng kíp mổ phẫu thuật tách rời thành công. Ca mổ đã đi vào lịch sử y học Việt Nam và cả thế giới. Việt đã hy sinh nhiều phần cơ thể cho em, nhường lại cho Đức tất cả bộ phận có chung. Sau mổ, Việt sống bằng hậu môn nhân tạo, thông tiểu bằng ống. Được sự chăm sóc tận tình ở Làng hòa bình Từ Dũ, Việt sống được thêm 19 năm. Còn anh Nguyễn Đức đã được nhận vào BV Từ Dũ làm nhân viên hành chính và lấy vợ sinh hai người con khỏe mạnh. Anh đã đặt tên hai đứa con mình là Phú Sĩ và Anh Đào như một sự tri ân các bác sĩ Nhật Bản đã góp phần đưa cuộc sống của anh sang trang mới. |
(Theo Plo)
Theo lý thuyết, khi 2 cặp song sinh cùng trứng kết hôn con cái của những người này sẽ là anh chị em họ, nhưng khoa học thì nói là anh chị em ruột.
Các bác sĩ ở Nghệ An thực hiện thành công ca mổ song thai còn nguyên bọc ối cho sản phụ trẻ tuổi.
Cặp song sinh ở Anh là một trong những trường hợp quá hiếm trên thế giới vì một bé hoàn toàn bình thường, một bé lại mắc hội chứng Down.