Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Chàng trai 29 tuổi lần đầu được đi máy bay khi đã chết

- Khi nhìn thấy thùng đựng tim của anh Khiêm chuyển đi Huế, cháu ruột anh thốt lên: "Lần đầu tiên cậu được đi máy bay!".


"Tim thằng Khiêm đó, người ta khoẻ lắm!"

Anh Nguyễn Ngọc Khiêm (xã Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình) vốn là quân nhân tại Lữ đoàn 384, sau về quê học nấu ăn, làm cách nhà 30km. Ở tuổi 29, anh là lao động chính của cả gia đình khi anh trai bị thiểu năng, nhà còn bố mẹ già, vợ và 2 con gái lần lượt mới hơn 1 tuổi và 3 tuổi.

Một ngày giữa tháng 5, anh Khiêm không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, được chuyển lên BV Việt Đức cấp cứu nhưng nhanh chóng rơi vào hôn mê rồi chết não.

Khi nghe con dâu gọi điện về thông báo tình trạng của con trai không thể qua khỏi và đề cập vấn đề hiến tặng mô tạng, bà Đinh Thị Thông, mẹ anh Khiêm đứng không vững. Nén đau thương, trong chốc lát, bà thống nhất với chồng và con dâu, đồng ý hiến tim, gan, thận và 2 giác mạc của con trai cho y học.

Chàng trai 29 tuổi lần đầu được đi máy bay khi đã chết
Mẹ và vợ anh Khiêm cùng 2 cô con gái nhỏ


"Người cũng không cứu được nữa rồi vậy có mang về thì tim, gan vài hôm cũng thành đất cả. Thay vì thế mình làm việc thiện, không đòi hỏi gì cả, chỉ cần biết con mình vẫn còn tiếp tục sống", bà Thông lau nước mắt nhớ lại.

Trái tim của anh Khiêm được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế, cứu sống một bệnh nhân vào ngày 18/5 vừa qua, 5 mô, tạng còn lại cũng được chuyển ghép cho 5 người xa lạ khác.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ, khi thấy hình ảnh thùng đựng tim của anh Khiêm trên máy bay chuyển đi Huế, cháu ruột anh đã không nén được đau thương, thốt lên: "Lần đầu tiên cậu được đi máy bay!" khiến tất thảy nghẹn lại.

5 tháng đã qua nhưng với gia đình bà Thông, mọi thứ mới như ngày hôm qua. Căn nhà thiếu vắng anh trở nên chống chếnh, những luống hoa mọc đầy cỏ dại. Cô con gái út bữa nào cũng lặp lại "Con mời bố ăn cơm!" rồi mỗi khi đi chơi luôn "dặn" bố: "Bố ở nhà coi nhà, con đi chơi nha!"...

Mới đây, truyền hình có quay hình ảnh bệnh nhân ghép tim ở Huế hồi phục sức khoẻ, hàng xóm xem được liền khoe với bà Thông. Cả chiều bà đứng ngồi đợi con dâu đi làm về để tìm xem.

"Khi con mở ra, cả 2 mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Tim thằng Khiêm đó, ông ấy khoẻ lắm. Trái tim con trai tôi vẫn còn đập", bà Thông xúc động nói.

Ra đi rồi vẫn tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc

Không may gặp tai nạn khi đang làm nhiệm vụ, gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh (Yên Mô, Ninh Bình) cũng đã có quyết định mà hiếm người, hiếm gia đình dám làm: Hiến tạng của con để cứu 6 người. Trong đó lá phổi của thiếu tá Ninh đã được ghép thành công cho bệnh nhân người lớn đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3 vừa qua.

Ông Lê Xuân Cựu, bố của thiếu tá Ninh kể lại, thời điểm biết con trai chết não, gia đình nội ngoại 2 bên bàn bạc vài tiếng rồi đồng ý tự nguyện hiến tạng của con để cứu những bệnh nhân đang mòn mỏi chờ ghép. Mãi sau này, khi mọi việc đã xong xuôi, gia đình mới thông báo với họ hàng vì biết rào cản tâm linh, quan niệm chết phải toàn thây còn rất nặng nề.

 
Chàng trai 29 tuổi lần đầu được đi máy bay khi đã chết
Bố thiếu tá Ninh (ngoài cùng bên trái) cùng mẹ bé Vân Nhi và mẹ anh Khiêm


"Con tôi là một quân nhân đã cống hiến cho Tổ quốc nhưng chưa trọn vẹn, sau khi ra đi vẫn cống hiến cho Tổ quốc theo một khía cạnh khác. Con tôi mất đi là tổn thất rất lớn của gia đình, họ tộc nhưng cũng để lại cho chúng tôi niềm an ủi, tự hào. Đâu đó trên cuộc đời này, con tôi vẫn còn hiển hiện, tồn tại. Chỉ mong họ nhanh chóng hồi phục và sống thật tốt", ông Cựu chia sẻ.

Ngoài gia đình bà Thông, ông Cựu còn có chị Hải Vân, mẹ bé Vân Nhi, người đã hiến giác mạc cứu 2 bạn nhỏ khác.

Tại buổi lễ phát động "Chung tay vì sự sống" và vinh danh những người hiến tạng chiều 18/10, mẹ bé Vân Nhi liên tục khóc nấc, không thể chia sẻ được gì.

GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết, ghép tạng là 1 trong 10 phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỉ 20, là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối.

Mỗi năm, trên thế giới có hàng vạn người được thừa hưởng thành tựu tuyệt vời từ ghép tạng, nhưng rất tiếc điều này lại nằm ngoài tầm với của hàng chục nghìn bệnh nhân giai đoạn cuối đang chờ chết mỗi năm vì thiếu tạng ghép ở nước ta.

GS Khánh cho biết, ngày nào trên khắp cả nước cũng có người chết não nhưng suốt 10 năm qua, chỉ có 82 người chết não đăng ký hiến tạng. Trong năm 2017, cả nước ghép được 670 ca, số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

"Nếu tính theo tỉ lệ dân số thì 1 triệu người dân Việt mới có 0,1 người hiến tạng khi chết, trong khi đó ở Úc là 20,7, gấp ta 200 lần và ở Mĩ là 30,6, hơn ta 300 lần", GS Khánh so sánh.

Thiếu tạng ghép không chỉ là cản trở lớn cho sự phát triển của ngành ghép tạng mà còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của xã hội như nạn buôn bán tạng, buôn bán người.

Tuy nhiên nhờ nỗ lực của các hoạt động kêu gọi hiến tặng mô tạng, đặc biệt sau câu chuyện của bé Hải An và Vân Nhi, số người đăng ký hiến tặng mô tạng đã tăng lên nhanh. Trong 10 tháng qua đã tăng thêm gần 20.000 người đăng ký.

Thúy Hạnh

Chị chạm khẽ vào tay chồng, nói như thể anh vẫn còn nghe thấy: "Em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi vẫn thở, đôi mắt vẫn sáng để thấy mẹ con em".

Toàn bộ lá phổi của 1 người không may bị chết não tiếp tục sống khoẻ mạnh trong lồng ngực bệnh nhân 52 tuổi tại Nam Định.

Nước ngoài họ chỉ vận chuyển quả tim trong bán kính 500 km, còn mình phải vượt hơn 1.600 km. Chỉ cần sơ suất nhỏ, mọi công sức sẽ đổ sông đổ biển.

Tới lúc trút hơi thở cuối cùng, lão nông Phùng Văn Hinh vẫn mong muốn hiến các bộ phận cơ thể mình để cứu người.

 

Bài đăng phổ biến