Trong quý 4/2017, Dự án Tầm soát và quản lý gene bệnh Thalassemia trong cộng đồng tỉnh Hòa Bình đã phát hiện được khoảng gần 45% các trường hợp có bất thường về các xét nghiệm vòng đầu, trong đó khoảng 37% có khả năng mang gen bệnh Thalassemia.
Thông tin trên vừa được công bố trong lễ "Tổng kết năm 2017 và kế hoạch 2018 dự án Tầm soát và quản lý gen bệnh Thalassemia trong cộng đồng tỉnh Hòa Bình" ngày 12/01/2018.
Về với cộng đồng để chống lại 'quả bom' Thalassemia
Phát biểu tại buổi lễ, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí tự hào chia sẻ: "Dù khoảng thời gian rất ngắn (Dự án "Tầm soát và quản lý nguồn gen bệnh Thalassemia trong cộng đồng tỉnh Hòa Bình" mới được triển khai từ quý 4/2017) nhưng chúng ta đã hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ với những kết quả rất đáng khích lệ. Qua quá trình triển khai, dự án đã phát hiện được khoảng gần 45% các trường hợp có bất thường về các xét nghiệm vòng đầu, trong đó khoảng 37% có khả năng mang gen bệnh Thalassemia! Con số thật đáng lo ngại về số người mang gen bệnh, nhưng lại rất đáng quý về sự đóng góp vào cuộc chiến chống lại căn bệnh Thalassemia quái ác!".
GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí phát biểu tại buổi lễ. |
Là một nhà khoa học, với nhiều đề tài nghiên cứu về căn bệnh Thalassemia, có nhiều năm "lăn lộn" với "quả bom Thalassemia thì qua 3 tháng triển khai thực địa tại Hòa Bình, GS.Nguyễn Anh Trí cùng toàn bộ dự án đã rút ra những kinh nghiệm quý báu về sự phối hợp, về cách thức làm việc. Có thể nói: "phải về với cộng đồng và phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng tình cảm sâu sắc với nhân dân thì hiệu quả sẽ cao hơn, kết quả sẽ tốt hơn!".
Cách làm này đã thực sự khác biệt so với hình thức khám chữa bệnh thông thường (bệnh nhân có bệnh, nghi ngờ nhiễm bệnh thì mới đến viện để khám và cứu chữa. Lúc này đến bệnh viện chỉ là để chữa bệnh, giải quyết hậu quả do bệnh mang lại); nó cũng khác rất nhiều so với các cuộc điều tra dịch tễ, khảo sát địa bàn dân cư về tình trạng bệnh Thalassemia mà không thật sự đem lại hiệu quả bởi không giúp nhân dân chủ động phòng ngừa và được tuyên truyền về bệnh).
Với cách làm việc này thì Giáo sư tin rằng, toàn bộ dự án sẽ làm tốt hơn ở giai đoạn 2. Không chỉ vậy, dự án sẽ thành công ở Hòa Bình và trở thành mô hình tiêu biểu trong cuộc chiến chống lại Thalassemia để nhân rộng địa bàn triển khai ra toàn quốc.
TS.Nguyễn Thị Thu Hà - GĐ.Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tư vấn cho những người nghi ngờ mang gen bệnh. |
Hỗ trợ 1 tỷ đồng cho dự án giai đoạn 2
Theo kế hoạch ban đầu thống nhất giữa Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, toàn bộ danh sách những người nghi ngờ mang gen bệnh của giai đoạn 1/2017 sẽ được MEDLATEC chuyển giao cho Sở Y tế Hòa Bình tiếp quản. Từ đó, trong giai đoạn 2018 và các năm tiếp theo, Sở Y tế sẽ là đơn vị đầu mối để triển khai các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh Thalassemia, đồng thời bố trí nguồn kinh phí của tỉnh để từng bước nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh và có chính sách hỗ trợ người bệnh.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí và đại diện MELADTEC trao bộ tài liệu tuyên truyền phòng chống bệnh Thalasemia cho tỉnh Hòa Bình. |
Năm 2018, MEDLATEC tiếp tục cam kết tài trợ dự án với nguồn kinh phí là 1.000.000.000đ (một tỷ đồng) và sẽ làm cho đối tượng là học sinh các trường Trung học phổ thông tại một số huyện ở Hòa Bình - đặc biệt là học sinh lớp 12, học sinh trong gia đình có người mắc bệnh hoặc mang gen bệnh, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tiếp thu những ý kiến của GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí, phát biểu kết luận buổi lễ, đ/c Bùi Văn Cửu - Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình; Trưởng ban Chỉ đạo công tác DSKHHGĐ tỉnh Hòa Bình trân trọng những thành tích và đóng góp mà MEDLATEC đã dành cho nhân dân Hòa Bình suốt thời gian qua. Đồng chí cũng thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ, các bộ ban ngành tại địa phương trong việc chung tay chống lại căn bệnh Thalassemia.
Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình tỉnh tại buổi lễ. |
Cuối cùng ông Bùi Văn Cửu bày tỏ lòng cảm ơn đối với GS. Nguyễn Anh Trí đã dành tâm huyết, thời gian của mình cho nhân dân, cho tỉnh Hòa Bình. Cảm ơn GS.Trí, cùng với Viện Huyết học Truyền máu TW, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC vì đã thức tỉnh hệ thống y tế của Hòa bình về căn bệnh Thalassemia để không phải tốn quá nhiều tiền, để ngăn chặn quả bom tiếp tục nổ.
Thanh Loan