Theo số liệu của Bộ Y tế, cách đây 10 năm, cả nước chỉ có 13 cơ sở sản xuất với 63 sản phẩm thực phẩm chức năng thì tính đến năm 2016, cả nước đã có gần 4000 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thực phẩm chức năng, trong đó có 837 cơ sở sản xuất trong nước với hơn 20.000 sản phẩm đã được công bố.
Các sản phẩm cũng hết sức đa dạng, thành phần cấu tạo hết sức phức tạp. 60 - 65% thực phẩm chức năng được sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu. Số người sử dụng thực phẩm chức năng hiện nay tại thành phố Hà Nội là khoảng 63% người trưởng thành, tại TP. Hồ Chí Minh là khoảng 43% người trưởng thành.
Việc xây dựng Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh , công bố, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm chức năng là cần thiết. Ảnh: Internet
Thực phẩm chức năng là ngành kinh doanh được cho là có lợi nhuận rất cao, tuy nhiên, tình trạng sản xuất thực phẩm chức năng giả (giả về chất lượng, giả về thương hiệu , giả về nguồn gốc xuất xứ) đang diễn biến phức tạp.
Năm 2015 các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, điển hình như vụ thu giữ 20 tấn thực phẩm chức năng giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố tại thành phố Hà Nội và thu giữ 12 tấn thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại TP. Hồ Chí Minh.
Phần lớn các hàng giả, kém chất lượng được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm giả này được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật.
Bên cạnh đó, điều mà mọi người dân đều thấy qua truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng là tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, cường điệu hóa công dụng của sản phẩm. Nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng chất lượng đã công bố; sản xuất thực phẩm chức năng không đảm bảo vệ sinh.
Trong 10 tháng đầu năm 2016, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thực hiện thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với tổng số tiền phạt là 5,4 tỷ đồng. Trong đó xử lý 52 cơ sở vi phạm về quảng cáo (chiếm 59,1%) với tổng số tiền là 1,02 tỷ.
Các cơ sở khác có các hành vi vi phạm như kiểm nghiệm định kỳ , chất lượng sản phẩm, công bố, ghi nhãn, sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng, thu hồi 12 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm , tạm dừng lưu thông 18 cơ sở vi phạm.
Tuy nhiên, thực tế mức phạt trung bình 20 triệu đồng/cơ sở vi phạm kinh doanh thực phẩm chức năng, 10-15 triệu đồng/cơ sở không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm dường như quá thấp so với lợi nhuận của người kinh doanh.
Nguyên nhân của thực trạng này, theo các chuyên gia là do chưa có các quy định pháp luật phù hợp để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Chính vì thế, theo Bộ Y tế, việc xây dựng Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm chức năng là cần thiết. Sự ra đời của nghị định này được hy vọng sẽ là "vòng kim cô" để siết chặt, quản lý hiệu quả lĩnh vực thực phẩm chức năng vốn đang trong tình trạng bát nháo hiện nay.