- Thầy giáo trẻ ở Quảng Ngãi phát hiện mình mắc ung thư lưỡi chỉ trước lễ cưới 18 ngày. Anh đã khiến cả bệnh viện ấn tượng khi xin mổ lưỡi sớm để kịp về cưới vợ.
Thầy giáo Lê Văn Đồng (33 tuổi) vừa bắt xe từ Quảng Ngãi vào bệnh viện ung bướu TP.HCM tái khám sau gần 2 năm được chẩn đoán mắc ung thư lưỡi.
Theo lời thầy giáo dạy toán, năm 2016, anh thấy trong miệng mình có những nốt nhỏ, cảm giác hơi đau. Nghĩ là nhiệt miệng, anh mua thuốc uống nhưng tình trạng ngày càng trầm trọng hơn. Khi đi khám bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ chẩn đoán viêm vành lưỡi.
Nam thầy giáo và bác sĩ Bùi Xuân Trường lúc tái khám mới đây |
Anh Đồng lên mạng tìm hiểu thì thấy tình trạng của mình giống ung thư. Lo lắng nên anh vào bệnh viện ung bướu Đà Nẵng thăm khám. Sau 1 tuần lấy mẫu sinh thiết, ngày 3/1/2017, anh nhận kết quả từ bác sĩ chẩn đoán mắc lưỡi giai đoạn 1.
"Tôi thật sự rất sốc. Khi ấy nghĩ ung thư là thứ gì ghê gớm lắm" – anh Đồng chia sẻ.
Thời điểm phát hiện mắc ung thư lưỡi, anh Đồng chuẩn bị làm đám cưới. Nhận tin, anh gần như đổ gục. Anh lo lắng rằng khi vợ sắp cưới biết chuyện mình mang bệnh sẽ như thế nào.
May mắn thay, lúc tưởng chừng như gục ngã ấy, anh lại nhận được sự động viên từ gia đình, từ người vợ sắp cưới. Khi tinh thần dần ổn định lại, anh tìm hiểu thông tin và quyết định vào TP.HCM chữa trị với hi vọng "ung thư giai đoạn sớm sẽ điều trị được".
Theo lời anh Đồng, một ngày sau khi có kết quả mắc ung thư, anh vào bệnh viện ung bướu TP.HCM. Trước thời gian cưới vợ quá gấp gáp, anh kể mọi chuyện với bác sĩ và mong muốn được mổ để kịp thời gian tổ chức lễ cưới.
TS BS Bùi Xuân Trường, Trưởng khoa Ngoại 5 bệnh viện ung bướu TP.HCM cho biết, nhờ phát hiện sớm, khối bướu chỉ lớn hơn 1 cm nên chỉ phẫu thuật cắt rìa khối bướu, nạo hạch cổ để ngăn ngừa di căn rồi tái khám theo dõi định kỳ, không cần xạ trị cũng như tái tạo lưỡi.
Gia đình vợ chồng thầy giáo nay có thêm bé trai 6 tháng tuổi |
8 ngày trước khi lễ cưới diễn ra, anh được bác sĩ phẫu thuật thành công. 4 ngày sau, anh xuất viện về quê.
Thời gian đầu, việc phát âm của anh Đồng gặp nhiều khó khăn. Nhờ kiên trì tập luyện, giọng nói của anh đã cải thiện đáng kể, vẫn có thể tiếp tục công việc đứng trên bục giảng.
Anh Đồng chia sẻ rằng bệnh ung thư như một dấu mốc thay đổi nhiều thứ cuộc đời anh. Anh biết trân trọng hơn những thứ mình có, đặc biệt là sức khỏe. Anh cũng bỏ hẳn thói quen nhậu nhẹt, không còn hút thuốc, ăn uống lành mạnh, siêng chạy thể dục.
Đến nay, sau gần 2 năm, vợ chồng anh đã có con trai 6 tháng tuổi kháu khỉnh.
Dấu hiệu nhận biết ung thư lưỡi
Theo BS Bùi Xuân Trường, một tháng gần đây BV có 51 ca ung thư lưỡi nhập viện, trong đó có 6 trường hợp dưới 40 tuổi. Ung thư lưỡi thường xuất hiện ở tuổi trên 50, nay gặp nhiều ở người trẻ, có bệnh nhân chỉ mới 19 tuổi.
Bệnh phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi cao. Tỷ lệ sống còn trên 5 năm của bệnh nhân giai đoạn 1, 2 khoảng 70-80 %, giai đoạn 3-4 chỉ còn 30-40%.
Hầu hết các trường hợp ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân gây bệnh nhưng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh gồm hút thuốc lá, rượu, nhai trầu, tình trạng vệ sinh răng miệng kém, nhiễm virus HPV, chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D và khoáng chất.
Người mắc ung thư lưỡi không có cảm giác đau ở giai đoạn đầu nên n thường chủ quan và không đi khám |
Người bệnh mắc ung thư lưỡi ở giai đoạn rất sớm thường cảm giác hơi vướng, cấn ở lưỡi, lúc khám có thể thấy một vùng dày lên hoặc biến đổi màu, vết loét nhỏ giống như nhiệt miệng nên dễ bị bỏ qua.
Giai đoạn trễ hơn bệnh nhân đau, chảy máu, tiết nước miếng nhiều hơn, khó cử động lưỡi, có mùi hôi do bướu nhiễm trùng. Khám thấy khối bướu chồi sùi rõ như bông cải, có thể có vết loét xâm nhiễm cứng trong miệng.
Giai đoạn cuối bướu xâm lấn sâu hơn, chảy máu, đau nhức, khó nuốt, di căn hạch cổ, làm bệnh nhân suy kiệt, tử vong.
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể lựa chọn phẫu thuật hay xạ trị đơn thuần và cắt bỏ hạch cổ để ngăn ngừa di căn. Phẫu thuật viên sẽ cắt rộng cách vị trí xâm nhiễm khoảng 1.5 cm, có thể cắt đến sàn miệng lẫn xương hàm. Nếu để khối u lớn, mất lưỡi quá nhiều thì phải tái tạo bằng vi phẫu vạt cẳng tay-quay, hoặc vạt đùi ngoài.
Sau khi tái tạo lưỡi một thời gian, bệnh nhân có thể phục hồi chức năng phát âm, nuốt, cảm giác.
Giai đoạn muộn bệnh nhân có thể phẫu thuật kết hợp hóa - xạ trị. Sau khi mổ cắt phần lưỡi có bướu, các bác sĩ tái tạo lưỡi từ các mô xung quanh hoặc từ da đùi, da cẳng tay, mục đích phục hồi chức năng phát âm, nuốt, cảm giác, cử động lưỡi cho bệnh nhân.
Dưa chua là món rất quen mặt với người Việt Nam nhưng chúng sẽ gây hại cho cơ thể nếu không được sử dụng một cách đúng đắn.
Là người Hà Nội, bệnh nhân vẫn tin vào bác sĩ Google, bôi nước mắm chữa ung thư, số khác đắp lá, cao để hút... khối u.
T. đã từng có thời gian 5-6 năm thức khuya đến tận sáng, thỉnh thoảng nhịn ăn và uống thuốc giảm cân.
Sau thời gian điều trị ung thư phổi, diễn viên Mai Phương có sự hồi phục không ngờ.
Sau khi biết mình bị ung thư do chính món ăn ưa thích gây nên, cô gái 18 tuổi rất hối hận, liên tục cầu xin bác sĩ hãy cứu lấy mình.
Quỳnh Như