Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Chuyện chưa kể ở trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội

"Phải ghi nhận những con người tồn tại đến hôm nay ở Trung tâm  hết sức dũng cảm và đầy tâm huyết. Là lãnh đạo, tôi thực sự biết ơn những con người đang cùng làm công việc này", ông Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ.

Theo ông Thành, trong những năm gần đây, nhiều bác sĩ, điều dưỡng đã rời bỏ Trung tâm 115. "Từ 2015 đến nay có 5 bác sĩ xin thôi việc, 2 bác sĩ chuyển công tác và 10 điều dưỡng xin thôi việc", ông Thành nói.

"Có người hỏi 28 bác sĩ hiện có đủ không? Đương nhiên là không thể đủ được. Hiện nay, tổng số chúng tôi có 42 kíp cấp cứu thì về lý thuyết phải có 42 bác sĩ", ông Thành nói. Để khắc phục tình trạng này, ông Thành cho biết, Trung tâm đã nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, kiến nghị đồng ý cấp cứu trước bệnh viện có sự tham gia của các y sĩ. "Nếu không có y sĩ tham gia thì đến nay Trung tâm cấp cứu 115 đã sụp đổ, không có ai làm", ông Thành cho biết.

Nguyên nhân là do thu nhập thấp, cơ chế cấp giấy phép hành nghề khó khăn, không có điều kiện tăng thêm thu nhập.

"Như trong bệnh viện, bác sĩ có thể tiếp xúc với bệnh nhân nhiều. Sau giờ làm việc, người ta tìm đến bác sĩ để thăm khám thêm, bác sĩ có thêm thu nhập. Nhưng bác sĩ của Trung tâm 115 chỉ tiếp xúc với bệnh nhân 15 – 20 phút đầu, tập trung vào cấp cứu thì đại đa số bệnh nhân không biết tên bác sĩ 115 là gì, làm cái gì", ông Thành nói.

cấp cứu,115,Hà Nội
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn

Cùng với đó, còn có thái độ coi thường người làm 115 nên khó thu hút được người vào làm việc chứ đừng nói là nhân tài, người có chuyên môn cao. "Phải ghi nhận những người còn tồn tại ở Trung tâm 115 đến hôm nay hết sức dũng cảm và đầy tâm huyết. Tôi rất biết ơn những con người đang cùng làm việc ở Trung tâm 115 này", ông Thành khẳng định.

"Tôi phải nói là con em của chúng ta, nếu làm ngành y có cho làm 115 không? Hàng ngày hàng giờ đối diện với nguy hiểm. Lương lậu thì không có", ông Thành nói thêm.

Đặc biệt nhấn mạnh đến việc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội chỉ có 21 xe cứu thương, trong khi cả thành phố Hà Nội cần tới 150 kíp xe cấp cứu thường trực (theo tiêu chuẩn WHO) cho 10 triệu người, ông Thành cho rằng, Trung tâm cũng không dám xin mua 150 xe mới mà chỉ thay thế 10 – 12 chiếc xe đã cũ. Những chiếc xe mua từ năm 2011 cũng không dám xin thay thế.

"Nếu mua 150 xe thì đúng là phải làm một đề án và xin kinh phí, có thể lên tới hàng trăm tỉ. Thành phố có thể lo được, nhưng gặp khó khăn về vấn đề nhân lực. 150 xe đó ai đi? Đó là vấn đề phải tính toán", ông Thành nói.

Theo ông Thành, hiện nay, Hà Nội và cả nước nói chung đang tồn tại 3 hệ thống xe cấp cứu. Thứ nhất là hệ thống xe cấp cứu của các bệnh viện, chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu của bệnh viện như bệnh nhân chuyển tuyến, một số các nhiệm vụ khác của viện.

"Bản thân họ cũng chỉ muốn phục vụ cho bệnh viện. Ví dụ bệnh viện Thanh Nhàn xấp xỉ có 1.000 bệnh nhân nằm viện thì cũng chỉ có 1 – 2 xe cấp cứu trực. Bệnh viện Xanh Pôn có khoảng 4 xe. Bản thân người ta lo cho người ta còn chưa đủ thì sao lo ra ngoài đường được", ông Thành nói.

 

Hệ thống xe cấp cứu thứ hai là của các công ty tư nhân. Những Cty này chỉ phục vụ nhu cầu vận chuyển bệnh nhân gần tử vong về nhà. "Vì những bệnh nhân như thế, người nhà cũng coi là mất rồi vì bác sĩ không chữa được. Trong cấp cứu có vấn đề gì thì không bị phản ứng. Thứ hai là có thời gian đàm phán về giá...", ông Thành thông tin.

Riêng cấp cứu 115, ông Thành cho biết, là dịch vụ an sinh xã hội nên không được phép từ chối. "Chính vì vậy ở trên thế giới này cũng chưa có. Tất cả dịch vụ cấp cứu là dịch vụ an sinh xã hội. Nhà nước phải hỗ trợ", ông Thành nói.

Theo ông Thành, hiện thành phố Hà Nội đang nghiên cứu mô hình xây dựng Trung tâm cấp cứu của Pháp. Theo đó, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Thành phố và của Sở Y tế, trước mắt sẽ phát triển nhanh hệ thống mạng lưới trạm cấp cứu, đồng thời duy trì Trung tâm 115 và kết nối các bệnh viện vào hệ thống cấp cứu.

"Sau khi có kinh phí, điều kiện chín muồi có thể xây dựng một bệnh viện đặc trách công tác cấp cứu trước bệnh viện, điều hành mạng lưới cả về chuyên môn, con người, phát triển các hạng mục", ông Thành nói.

Theo đó, để phát triển mô hình này phải có 4 yếu tố gồm bệnh viện chủ nhịp, mạng lưới xe cấp cứu, trung tâm đào tạo và trung tâm điều hành, điều phối cấp cứu. "Hiện nay, lãnh đạo thành phố và Sở Y tế đang đi theo mô hình này là rất sáng suốt, phù hợp với tình hình Việt Nam", ông Thành đánh giá.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà xác nhận thông tin thành phố đã cử đoàn công tác sang Pháp để nghiên cứu, học hỏi, tuy nhiên, Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị xe cấp cứu và nhân lực. Riêng việc mua thêm xe cứu thương, đại diện Phòng hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính) cho biết, theo văn bản mới nhất của Bộ Tài chính và UBND thành phố, việc mua sắm tài sản đang phải chờ các quy định mới.

"Vừa qua, một số đơn vị như bệnh viện Tim, bệnh viện Thạch Thất đề nghị mua xe cứu thương nhưng Sở trả lời hiện chưa đủ điều kiện mua và phải chờ quy định mới. Theo văn bản của Bộ Tài chính thì các tỉnh, thành phố phải sắp xếp trong số lượng xe hiện có, trường hợp thiếu, HĐND thành phố sẽ quyết mua trong dự toán ngân sách được giao năm 2018...", vị đại diện này khẳng định.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tắc dài, xe cứu thương chở bệnh nhân từ Ninh Bình nhích từng chút bất lực, người nhà gào thét cầu cứu từng xe

Mỗi ngày BV Bình Dân khám và cấp cứu 15-20 ca liên quan đến "của quý", trong đó có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.

Với BS. Bùi Văn Hải - Chuyên khoa Hồi sức cấp cứu BV MEDLATEC, mỗi phút giây kéo sự sống ở lại với bệnh nhân đều căng như dây đàn và vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi tín hiệu sống nhấp nháy trên màn hình Monitoring.

Sở Y tế Thanh Hóa khẳng định không có chuyện bác sỹ đánh rơi bệnh nhi 15 tháng tuổi dẫn tới tử vong sau đó.  

Trước tình trạng nguy kịch của người đàn ông ngã từ lầu 4 xuống, ê-kíp bác sĩ đã cấp cứu cho người bệnh ngay giữa đường.

Theo Tiền phong

 

Bài đăng phổ biến