Các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore đã phải dừng lưu thông máu của một bệnh nhân trong suốt 45 phút để phẫu thuật.
Theo báo The New Paper, bệnh nhân là ông Lee Yam, 63 tuổi. Sự việc xảy ra vào tháng 5/2007, là một chuỗi các diễn biến đầy nghẹt thở.
Một phút trước, người đàn ông này còn đang tham dự khóa tập huấn, nhưng một phút sau ông đã thấy mình trong bệnh viện. Tiếp đó, một người đến yêu cầu ông ký vào đơn cam kết phẫu thuật. Bệnh nhân lại ngất đi và tỉnh lại thì đã thấy ở phòng chăm sóc đặc biệt.
"Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với mình", ông Lee kể lại.
The New Paper cho hay, ông Lee quả là người may mắn. Ông đã suýt tử vong do bị chứng tách thành động mạch chủ. Các bác sĩ đã phải tạm dừng lưu thông máu của ông trong suốt 45 phút để tiến hành ca phẫu thuật cứu sống ông.
BS. Andy Wee, chuyên gia phẫu thuật cơ xương khớp, bệnh viện Mount Elizabeth - tập đoàn y tế Parkway Singapore |
"Tôi thậm chí còn không biết mình mắc bệnh. Đột nhiên, tôi thấy tất cả người thân và bạn bè ở trong phòng, tôi hỏi họ sao mọi người lại tập trung ở đây. Họ nói rằng, tôi không biết mình vừa trải qua một cuộc đại phẫu hay sao?", ông Lee cho biết thêm.
Phục hồi
Đó là vào một ngày cuối tháng 5/2007. Ông Lee đã trải qua một cuộc phẫu thuật phức tạp và đang phục hồi. "Đối với tôi, chuyện này quả là bất ngờ. Tôi không hút thuốc, không bia rượu. Tôi chơi tennis hai lần mỗi tuần trong suốt 40 năm qua. Tôi còn hay đi bơi nữa. Cơ thể tôi cân đối và chưa từng có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe", ông nói.
Bác sĩ Lim Chong Hee, cố vấn cấp cao tại Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực và Giám đốc Chương trình cấy ghép tim, phổi tại Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore (NHC), tin rằng trong những trường hợp đột tử ở thanh niên khỏe mạnh được báo cáo thời gian gần đây, một số có khả năng xuất phát từ chứng bệnh này.
"Trừ phi là khám nghiệm tử thi, nếu không thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Nhưng rất có khả năng chứng bệnh này là lý do dẫn tới một số trường hợp bệnh nhân tử vong", bác sĩ Lim cho biết. Tình trạng của ông Lee Yam bắt đầu xuất hiện sau khi động mạch chủ của ông bắt đầu bóc tách.
Thành động mạch chủ được cấu tạo bởi 3 lớp. Chứng tách thành động mạch chủ xảy ra khi các lớp này bị tách rời giống như tấm gỗ ép bị bóc thành từng lớp do để ngoài trời mưa.
"Khi hiện tượng này xảy ra, người bệnh thường cảm nhận được cơn đau gắt ở ngực hoặc ở lưng. Cơn đau này giống như bị đâm, tựa như bị ai đó dùng dao rạch vào lưng từ trên xuống dưới", bác sĩ Lim cho hay.
Chẩn đoán
Khi có những triệu chứng như vậy, phần lớn các bệnh nhân thường phải được đưa vào phòng cấp cứu ngay để các bác sĩ chẩn đoán. Chín trên mười bệnh nhân có những triệu chứng đó. Tuy nhiên, một trên mười bệnh nhân không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào cả và điều này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh vì họ không biết rằng mình cần phải được hỗ trợ y tế.
Chứng tách thành động mạch chủ có thể xảy ra ở động mạch chủ lên, động mạch chủ ngực xuống và động mạch chủ bụng, hoặc toàn bộ động mạch chủ. Nguy cơ tử vong phụ thuộc vào mức độ phân tách. Theo bác sĩ Lim, nguy cơ tử vong cao nhất là những người bị ở động mạch chủ lên, một phần của mạch máu đi lên.
Dừng lưu thông máu
Trong ca bệnh nhân Lee, đó là vấn đề thời gian trước khi mạch bị vỡ. Một khi động mạch chủ lên bị vỡ, bệnh nhân sẽ không còn cảm thấy đau đớn gì nữa, bởi khi đó huyết áp của họ lập tức tụt xuống 0. "Ông ấy có thể tử vong chỉ trong vài phút", bác sĩ Lim nói.
Xử lý ở động mạch chủ lên không hề dễ dàng. Đó là phần của mạch máu chạy thẳng lên não. Bất cứ tổn thương hay hiện tượng chảy máu đột ngột nào cũng có thể khiến bệnh nhân bị đột quỵ. Toàn bộ cơ thể của ông Lee phải được hạ nhiệt độ xuống còn khoảng 18 độ C để bảo vệ não và các cơ quan khác. Các bác sĩ đã thực hiện việc này bằng cách truyền máu qua một thiết bị trao đổi nhiệt.
Tiếp đó, bác sĩ Lim cho dừng lưu thông máu. Ở nhiệt độ này, các bác sĩ có khoảng một tiếng đồng hồ để tiến hành các phẫu thuật cần thiết trước khi não bị tổn thương. Điều họ cần làm là sửa lại phần động mạch chủ bị hư hại. Việc này bao gồm cắt bỏ phần động mạch chủ bị hỏng và thay thế chúng bằng mô ghép làm từ Dacron, một loại vật liệu tổng hợp. Các bác sĩ phẫu thuật phải hết sức nhanh chóng để hoàn thành được công việc.
BS. Lim Chong Hee, chuyên gia phẫu thuật tim mạch – lồng ngực, bệnh viện Mount Elizabeth - tập đoàn y tế Parkway Singapore |
Bác sĩ Lim cho biết, ông đã cố gắng dừng lưu thông máu trong khoảng 45 phút. "Có nhiều yếu tố cần phải được xem xét khi dừng lưu thông máu của bệnh nhân, như những tổn thương về não và thận. Chính vì vậy, chúng tôi muốn đảm bảo an toàn nhất có thể cho bệnh nhân".
Ca phẫu thuật dài 6 tiếng
Ca phẫu thuật của ông Lee phải mất 6 tiếng mới hoàn thành, trong đó bao gồm cả thời gian hạ nhiệt độ cơ thể và làm ấm trở lại.
Hàng năm, các bác sĩ tại NHC đều phải tiến hành phẫu thuật cho các bệnh nhân mắc tình trạng này. Năm 2006 có 6 ca, trong khi năm 2005 có tới 13 trường hợp. "Năm 2007, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật 4 trường hợp", bác sĩ Lim cho hay.
Những ca phẫu thuật này thường chi phí hơn 25.000USD. Tỷ lệ thành công ở NHC là trên 90%.
Nam giới bị huyết áp cao có nhiều nguy cơ hơn
Những người có nguy cơ mắc bệnh này gồm người bị huyết áp cao và có hội chứng Marfan. Hội chứng Marfan là một dạng rối loạn di truyền có ảnh hưởng đến các mô liên kết, hỗ trợ và kết nối cơ quan và các cấu trúc khác trong cơ thể.
Các mô liên kết cung cấp chất và hỗ trợ cho gân, dây chằng, thành mạch máu, sụn, van tim và nhiều cấu trúc khác của cơ thể. Ở những người bị hội chứng Marfan, nhiều cấu trúc này thường không cứng như thông thường.
Chứng tách thành động mạnh chủ cũng ảnh hưởng tới nam giới cao gấp 2 lần so với nữ giới. Ngoài ra, những người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc chứng này cao hơn. "Những người bị huyết áp cao cần được theo dõi chặt chẽ", bác sĩ Lim nói thêm.
P.V