Hành vi sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) ngày càng tinh vi khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý
Những tháng gần đây, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế phát hiện rất nhiều website quảng cáo TPCN có sai phạm, song khi kiểm tra thì các cơ sở cung cấp các sản phẩm TPCN đó đều thừa nhận… không biết ai đã thực hiện quảng cáo này.
Kiểm tra là ra "quảng cáo ma"
Phát hiện trên website https://chuyenhangxachtay.vn và http://cuahanghanquoc.com/, quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hanmi glucosamine 100 (sản phẩm do Công ty CP Seiko Pharma, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm) có nội dung vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm , Cục ATTP đã làm việc với đại diện của Công ty CP Seiko Pharma. Tại buổi làm việc, đại diện công ty khẳng định website: https://chuyenhangxachtay.vn và http://cuahanghanquoc.com không phải là website của công ty; phía công ty cũng không thực hiện quảng cáo bất kỳ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nào trên 2 website này.
Vì vậy, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh mua phải sản phẩm không bảo đảm chất lượng, Cục ATTP đã phải đưa ra khuyến cáo người dân rằng việc quảng cáo và mua bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hanmi glucosamine 100 trên các website nói trên sẽ không được bảo đảm về chất lượng theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Tình trạng sai phạm về quảng cáo TPCN như trên đang diễn ra ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây với hàng chục vụ việc đã được phát hiện, thậm chí với cả những TPCN của những đơn vị rất uy tín.
Chẳng hạn, tháng 5-2017, Cục ATTP phát hiện trên một số trang thông tin điện tử (các website: vienquany.com, thaoduochocvienquany.com, hocvienquany.com.vn) quảng cáo sản phẩm TPCN là Nanocurcumin - Tam thất - Xạ đen có tiêu đề: "Sản phẩm dược phẩm của Học viện quân y", trong đó nội dung quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Các sản phẩm được phân phối bởi Công ty TNHH TM&DV Phương Linh (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ngày 10-5, Cục ATTP đã làm việc với đại diện Công ty TNHH TM&DV Phương Linh, nhưng đại diện Công ty khẳng định hiện tại Công ty này không có website, còn các website: vienquany.com, thaoduochocvienquany.com, hocvienquany.com.vn quảng cáo sản phẩm TPCN kể trên không phải của Công ty. Công ty TNHH TM&DV Phương Linh cũng cho biết không thực hiện quảng cáo sản phẩm Nanocurcumin - Tam thất - Xạ đen trên các website này và không chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo đó.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh mua phải sản phẩm không bảo đảm chất lượng, Cục ATTP lại ra thông báo nêu rõ việc quảng cáo và mua bán online sản phẩm Nanocurcumin - Tam thất - Xạ đen qua các website: vienquany.com, thaoduochocvienquany.com, hocvienquany.com.vn sẽ không được bảo đảm về chất lượng theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận để cảnh báo cho người sử dụng.
Khó nhưng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm
Theo Cục ATTP, khoảng 6 tháng đầu năm nay, Cục đã ban hành 24 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 24 cơ sở vi phạm về ATTP, tổng số tiền phạt lên tới trên 4 tỷ đồng. Trong đó, một nửa số cơ sở vi phạm về quảng cáo. Ngoài phạt tiền, Cục ATTP đã buộc các cơ sở có vi phạm dừng ngay hành vi vi phạm; tiêu hủy sản phẩm vi phạm; tháo gỡ các nội dung quảng cáo sai quy định; hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng các quy định pháp luật về ATTP…
Mới đây, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong vừa ký ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Kingphar Việt Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với tổng mức tiền phạt 65 triệu đồng do vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Qee Tree Kingphar trên website http://kingphar.vn mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; quảng cáo, giới thiệu sản phẩm này có nội dung gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Cục ATTP đã buộc công ty tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, đồng thời phải cải chính thông tin quảng cáo sản phẩm trên website http://kingphar.vn theo đúng quy định.
Với những cơ sở vi phạm quảng cáo về TPCN đã được xác minh rõ ràng như vậy, việc xử phạt và yêu cầu cơ sở khắc phục hành vi sai phạm sẽ dễ dàng song với những quảng cáo sai phạm mà không xác định được chủ thể đã quảng cáo thì việc xử lý, xử phạt khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí là không xử phạt được.
Rõ ràng, các hành vi "lách luật", vi phạm trong quảng cáo TPCN đang ngày càng tinh vi hơn, khó phát hiện hơn và ngay cả khi phát hiện được thì cũng không dễ để xử lý. Trong khi đó, theo quy định, cơ quan chức năng chỉ xử phạt được nếu chứng minh được cá nhân, doanh nghiệp cụ thể đã thực hiện hoặc phát hành quảng cáo sai. Thế nhưng, các loại quảng cáo bằng tờ rơi , trên mạng xã hội hay các website không chính thống… rất khó chứng minh.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, theo quy định trong Thông tư 09 của Bộ Y tế, tất cả quảng cáo TPCN đều phải được thẩm định nội dung. Quảng cáo TPCN cũng bắt buộc có thêm chi tiết "Sản phẩm không thay thế được thuốc chữa bệnh" và không được chỉ định để điều trị bệnh cụ thể. Nếu phát hiện những quảng cáo vi phạm như vậy, Cục ATTP sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiên quyết xử lý nghiêm.
Còn với những trường hợp quảng cáo trên các website có vi phạm nhưng cơ sở chịu trách nhiệm công bố sản phẩm không thừa nhận việc thực hiện quảng cáo, một mặt Cục ATTP thông báo để người tiêu dùng biết, mặt khác Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để xác minh làm rõ, xử lý theo quy định