- Nhiều nước đã công bố loại trừ bệnh sởi nhưng dịch vẫn quay lại, Việt Nam cũng không loại trừ nếu không tiêm chủng quyết liệt.
Bệnh sởi đang diễn biến phức tạp không riêng miền Bắc mà cả phía Nam. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 1.100 ca dương tính với sởi tại 40 tỉnh, thành phố, 1 ca tại Hưng Yên tử vong.
Trong đó, Hà Nội có số mắc cao nhất, 405 ca, kế đó là các tỉnh vùng núi như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Đồng Nai.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, dù số ca mắc có tăng so với 2017 nhưng bệnh chỉ diễn ra rải rác, không tập trung thành ổ dịch, so với giai đoạn 2010-2014 còn thấp hơn rất nhiều. Trong đó gần 90% trường hợp mắc chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đủ mũi. Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chiếm 21,4%) và 1-4 tuổi (37,8%).
Trẻ mắc sởi điều trị tại BV Nhi TƯ |
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại "kịch bản" sởi có thể quay lại như năm 2014 nếu không quyết liệt trong công tác tiêm chủng.
Ông dẫn chứng, hiện có tới 181/194 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc sởi. Tại Châu Âu, số mắc đã tăng 2,6 lần, Ucraina ghi nhận hơn 30.000 ca, Tây Thái Bình Dương tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2017, cá biệt tại Philippines tăng hơn 7 lần. Đáng lưu ý, một số nước đã công bố loại trừ được bệnh sởi như Nga, Đức cũng xuất hiện bệnh trở lại.
Trong khi đó, tỉ lệ tiêm chủng của Việt Nam trong cộng đồng hiện chưa đạt 95%, đặc biệt tại các khu vực biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.
"Vừa qua Bộ đã cấp vắc xin tiêm toàn bộ trẻ 1-5 tuổi, tuy nhiên ngay cả khi tiêm phủ được 90% vẫn còn 10% sót lại thì sau 4-5 năm sẽ tăng lên 40-50%, khi đó dịch rất dễ bùng phát trở lại", PGS Phu thông tin.
Do đó trong tháng 12 và đầu năm 2019, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức 2 đợt tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ tại các tỉnh có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Ngay tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TT Kiểm soát dịch bệnh thành phố cũng lo ngại dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng trong những tháng cuối năm và đầu 2019 do đây là thời điểm bước vào chu kỳ dịch sởi sau mỗi 4 năm.
Từ đầu năm đến nay, BV Nhi TƯ đã tiếp nhận gần 500 ca mắc sởi. Trong số này có tới 85% trẻ mắc sởi nhập viện đều không được tiêm vắc xin đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng.
Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ chủ động đưa con từ 9 tháng tuổi hoặc trẻ từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin đi tiêm đầy đủ. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khuyến cáo tiêm phòng sởi-rubella để tạo miễn dịch chủ động cho trẻ.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh. Hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây chéo.
Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Thúy Hạnh
Miệng bệnh nhi bốc ra mùi tương tự mùi chuột chết, chạm vào xương hàm tới đâu mủn tới đó, trơ lại mỗi lưỡi.
2 anh em song sinh lần lượt vào BV cấp cứu do mắc sởi, cả 2 đang rất nguy kịch do biến chứng viêm phổi nặng.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 242 ca mắc sởi trong khi cả năm 2017 mới có 60 trường hợp.
Sởi là căn bệnh xảy ra theo mùa, thường là đầu mùa xuân nó diễn ra theo từng nhóm và mức độ lây lan nhanh chóng tạo ra dịch bệnh.
Bệnh sởi là căn bệnh nguy hiểm và rất dễ lây lan. Tuy nhiên, rất nhiều người chưa hiểu đúng về căn bệnh và có những quan niệm sai lầm.
Tình trạng dịch sởi đang có những diễn biến phức tạp khiến nhiều bậc phụ huynh tỏ ra rất lo lắng. Một số lưu ý sau sẽ giúp các bố mẹ có hướng chăm sóc con nhỏ.