- Đây là một trong 10 bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam và có tốc độ phát triển khối u rất nhanh.
NSƯT Thanh Hoàng- "cha đẻ" của vở kịch Dạ cổ hoài lang vừa qua đời vì căn bệnh khi mới 55 tuổi.
Tại Việt Nam, đây là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất và đứng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở nam giới, tuổi từ 40 – 60.
Chưa rõ nguyên nhân, phát triển nhanh
GS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, đến nay nguyên nhân của ung thư vòm họng chưa được xác định rõ ràng nhưng ngoài tuổi tác, còn một số yếu tố nguy cơ có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, hoá chất (đặc biệt là các hydrocacbon thơm), ăn nhiều cá muối và các thức ăn lên men (dưa, trứng, các loại củ), vệ sinh răng miệng kém, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá...
Tại Việt Nam, ung thư vòm họng là 1 trong 10 loại ung thư phổ biến nhất |
Trong gia đình nếu cha mẹ bị ung thư vòm họng thì con cái cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Ung thư vòm họng có liên quan chặt chẽ với virus Epstein-Barr (EBV). Quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là oral sex có thể lây nhiễm virus EBV. Tuy nhiên không phải tất cả những ai nhiễm EBV cũng sẽ bị ung thư vòm họng.
Đây cũng là loại ung thư có diễn tiến cực kỳ nhanh, nguy cơ tử vong cao khi phát hiện ở giai đoạn muộn.
Triệu chứng khó phát hiện
Không giống các bệnh lý đặc thù khác như bệnh tim mạch, da liễu hay viêm đường hô hấp, ung thư vòm họng thường khó phát hiện sớm do bệnh tiến triển âm thầm, hầu như không biểu hiện triệu chứng gì đáng kể ở những giai đoạn đầu và chỉ phát tác mạnh mẽ khi đến giai đoạn cuối, làm người bệnh không kịp trở tay.
Tại Việt Nam, hơn 70% ung thư vòm họng đến viện khi đã ở giai đoạn muộn. Trong khi nếu được phát hiện sớm, khả năng chữa trị khỏi rất lớn, hiệu quả sống trên 5 năm cao. Có người 20 năm nhưng chưa phát hiện tái phát.
Do triệu chứng không đặc hiệu nên ở giai đoạn đầu, ung thư vòm họng dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm, đau họng thông thường.
Triệu chứng ban đầu khi mắc ung thư vòm họng thường sẽ khiến người bệnh bị chảy máu mũi và nghẹt mũi một bên.
Kể đó là những dấu hiệu như khó nuốt do khối u chèn trong cổ họng; thay đổi giọng nói nếu khối u phát triển xung quanh các dây thanh âm; Ho dai dẳng kéo dài, giọng khàn đi sau khi đã khỏi.
Nặng hơn là ù tai, nhức đầu (bên chảy máu mũi). Còn nếu bị nhức đầu, nổi hạch góc hàm, nổi hạch ở cổ, lồi mắt, sụp mi, mắt bị lé thì bệnh đã rất nặng, lúc này khối u đã gây ra các hạch cứng, dù người bệnh không có cảm giác đau đớn.
Ung thư vòm họng được chia thành 4 giai đoạn. Ở các nước phát triển, nếu ung thư vòm họng giai đoạn sớm 1-2, tỉ lệ sống sau 5 năm có thể đạt 60-70%, giai đoạn 4 (khối u đã di căn lên miệng, phá huỷ các hạch bạch huyết) còn trên 35%. Tuy nhiên ở Việt Nam, hiện chưa có tỉ lệ thống kê.
Phương pháp điều trị
Cũng như các loại ung thư khác, ung thư vòm họng là điều trị đa mô thức, có thể áp dụng 1 hoặc song song nhiều phương pháp.
- Phẫu thuật: Với ung thư vòm họng, phẫu thuật không quá phổ biến. Tuy nhiên, bác sĩ có thể dùng phương pháp này để loại bỏ ung thư hạch bạch huyết ở cổ.
- Xạ trị: Sử dụng chùm tia năng lượng cao, chẳng hạn như tia X hoặc chùm proton, để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Hóa trị: Dùng thuốc có sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị liệu có thể ở dạng thuốc viên, truyền tĩnh mạch hoặc cả hai. Bác sĩ có thể sử dụng hóa trị để điều trị ung thư vòm họng cùng lúc, sau hoặc trước khi xạ trị.
- Dùng thuốc nhắm trúng đích: Nhiều trường hợp bị kháng thuốc sẽ phải quay lại xạ trị, hoá trị hoặc kết hợp đồng thời.
Thúy Hạnh
Thấy thường xuyên bị chảy máu mũi, nghẹt mũi một bên, cô gái 23 tuổi đi khám phát hiện bị ung thư vòm họng.
Khi mới hình thành, ung thư vòm họng thường có dấu hiệu của nhiều bệnh liên quan đến tai mũi họng như cảm cúm hoặc bệnh nội khoa về thần kinh.
Ung thư vòm họng rất ít, thậm chí không hề biểu hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng không rõ ràng, khiến bạn dễ nhầm lẫn sang những bệnh lý thông thường.