Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018

Chúc tụng sinh quý tử, Việt Nam đẻ nhiều con trai thứ 2 châu Á

- Thói quen của người Việt vào đầu năm mới hay chúc những gia đình sinh con một bề gái "có thêm quý tử". Đây là thói quen văn hoá lâu rồi, nên bỏ. 

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng DS-KHHGĐ cho biết, dân số Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn, trong đó có mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nên dừng chúc nhau 'có thêm quý tử'

Ông Tân cho biết, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao và là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á với tỉ lệ xấp xỉ 114 bé trai/100 bé gái, trong khi Quỹ dân số Liên hợp quốc khuyến cáo ở mức 102-106 bé trai/100 bé gái.

"Cả Lào, Campuchia, Thái Lan đều không có. Trước đây Singapore từng có nhưng không quá nặng nề và giờ họ đã kiểm soát tốt", ông Tân nói.

Nếu xét toàn châu Á thì Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc với tỉ lệ 117-118/100. Kỷ lục tại quốc gia đông dân nhất thế giới từng có lúc lên tới gần 140/100.

dân số Việt Nam,mất cân bằng giới tính,sinh con quý tử,Tết Việt 2018,Tết nguyên đán
Tại châu Á, tỉ lệ bé trai/bé gái của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc

Ở Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, tỉ lệ này chỉ ở mức 110-111/100.

Tại Việt Nam, dù xuất hiện muộn song tốc độ mất cân bằng giới tính tăng rất nhanh, lan rộng từ thành thị đến nông thôn.

Theo ông Tân, khu vực có tỉ lệ mất giới tính khi sinh cao nhất là đồng bằng sông Hồng, trong đó có Hà Nội với mức trung bình 120/100, kế đó là Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ.

Một số huyện ngoại thành Hà Nội có tỉ lệ đạt ngưỡng báo động đỏ như: Ứng Hòa (132,6/100); Mê Linh (127/100). Tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), tỉ lệ này trong năm 2017 còn lên mức 151,6/100.

Trong khi đó, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL không cao. Ngay TP.HCM cũng chỉ ở mức 105-106/100.

Ông Tân cho biết, theo QĐ 468 của Chính phủ, mục tiêu đặt ra đến 2020 phải kìm giữ không vượt quá 115 bé trai/100 bé gái. Hiện ngành dân số đang làm mọi cách để tỉ lệ này ngừng tăng, là nền tảng để tiếp tục giảm xuống dưới 107/100 vào năm 2025.

Ông cũng chia sẻ về thói quen của người Việt vào đầu năm mới hay chúc những gia đình sinh con một bề gái "có thêm quý tử".

"Đây là thói quen văn hoá lâu rồi, giờ chúng ta nên bỏ. Hàn Quốc cũng giống như chúng ta nhưng giờ họ không chúc nhau như vậy nữa. Hiện tại, số lượng người thích sinh con gái tại nước này cao hơn nhiều. Đó cũng là chỉ số xác định sự tiến bộ hơn của người ta với mình, vậy chẳng lẽ mình cứ lạc hậu mãi?", ông Tân nêu quan điểm.

Ông cho biết thêm, Hàn Quốc cũng từng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng, nhưng hiện tại tỉ lệ này đã giảm về mức 107 bé trai/100 bé gái.

 

Cho 'ngồi mâm dưới' có thể bị xử lý

Để giảm tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, ông Tân cho biết cần đẩy mạnh truyền thông. Đây là giải pháp căn bản, lâu dài. Dù kết quả có thể không có trong ngày một ngày hai nhưng phải làm mạnh hơn nữa, để mọi người nhìn rõ được hệ lụy.

"Đặc biệt là những hệ lụy liên quan trực tiếp đến từng người, từng gia đình để họ thấy viễn cảnh của chính mình. Còn cứ nói chung chung là hệ lụy của xã hội thì nghe khó vào lắm", ông Tân nhấn mạnh.

dân số Việt Nam,mất cân bằng giới tính,sinh con quý tử,Tết Việt 2018,Tết nguyên đán
Phó tổng cục trưởng DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân. Ảnh: T.Hạnh

Ông Tân dẫn chứng, nếu hôm nay một người chọn sinh con trai thì sau này con người đó có thể không lấy được vợ. Con gái người đó có thể chưa kịp lớn đã có nhiều người săn đón, không học hành được đến nơi đến chốn, nguy cơ lấy chồng sớm.

Song song đó sẽ tăng cường thanh tra, xử lý, quy định cụ thể từng hành vi vi phạm liên quan đến lựa chọn giới tính; miệt thị, ứng xử không bình đẳng giới trong cuộc sống, chê trách người không sinh được con trai....

"Chúng tôi đang xây dựng luật Dân số, những nội dung này đã được lưu ý đưa vào thành các quy định trong dự thảo", ông Tân thông tin.

Theo ông Tân, những lời nói trong cuộc sống hàng ngày tác động rất lớn đến hành vi của con người.

"Nhiều người hay nói cửa miệng nhà mày sinh toàn vịt giời thì thôi xuống mâm dưới. Tất cả những cái đó dù khó nhưng phải nghiên cứu để có mức xử lý phù hợp, tạo dư luận chung trong xã hội, ủng hộ bình đẳng giới, nâng cao vị thế người phụ nữ trong cuộc sống", ông Tân nói rõ.

Riêng hành vi chẩn đoán giới tính trước sinh cũng sẽ bị xử lý mạnh hơn, thay vì phạt hành chính, như Hàn Quốc là tịch thu giấy phép hành nghề vĩnh viễn.

Nhân dịp năm mới, Phó tổng cục trưởng DS-KHHGĐ gửi lời chúc đến tất cả các gia đình: "Sinh đủ 2 con, dù gái hay trai nuôi dạy thật tốt để có cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc".

Việt Nam đang đối mặt hàng loạt thách thức về dân số, nhiều vùng có mức sinh thấp và rất khó đưa lên.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Bộ Y tế ủng hộ phương án nới lỏng chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa các cặp vợ chồng được sinh thoải mái.

Không chỉ lười đẻ và thích đẻ con trai, dân số Việt Nam đang có tốc độ già hoá thuộc top nhanh nhất thế giới.

Chưa phát huy, tích lũy được gì ở "thời kỳ vàng" thì dân số Việt Nam đã nhanh chóng bước vào giai đoạn "già hóa" do tuổi thọ bình quân tăng, tỷ suất sinh và chết giảm.  

Thúy Hạnh

Bài đăng phổ biến