Theo bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - trưởng bộ môn Nhi ĐH Y Hà Nội, phụ huynh nên nắm rõ các biện pháp chăm sóc khi trẻ bị ho phù hợp với từng triệu chứng bệnh để đạt hiệu quả và an toàn cao nhất.
Mùa lạnh - "Virus" lây lan cơn ho ở trẻ
Bước vào mùa lạnh cũng là lúc các dịch bệnh thường xuyên bùng phát, đặc biệt là đối với các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Trung bình cứ khoảng 3000 trẻ tới khám bệnh tại BV Nhi Trung ương khám bệnh thì có tới 60 - 70% là mắc các bệnh về đường hô hấp.
Trẻ thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp khi thời tiết lạnh (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS.Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi - Trường ĐH Y Hà Nội, Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng - BV Nhi Trung ương, các triệu chứng mắc phải bệnh hô hấp của trẻ nhỏ có thể dễ dàng nhận thấy như thường xuyên hắt hơi, sổ mũi, ho, ho dai dẳng kéo dài…Nếu các phụ huynh không có phương pháp điều trị kịp thời đúng đắn thì các triệu chứng này có thể phát triển lên các thể nặng hơn như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản…
PGS.TS.Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi - Trường ĐH Y Hà Nội, Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng - BV Nhi Trung ương
Theo bác sĩ Diệu Thúy, nguyên nhân chủ yếu do virus và vi khuẩn gây viêm nhiễm đường hô hấp, một số ít do nấm, ký sinh trùng. Trẻ có cơ địa dị ứng, nhạy cảm với thay đổi thời tiết thì càng dễ mắc bệnh hơn. Virus thường là nguyên nhân khởi phát bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ, sau đó trẻ có thể bị bội nhiễm thêm vi khuẩn nếu không có biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời, đúng đắn. Một số nguyên nhân khác gây bệnh như chấn thương, tai nạn… dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp thứ phát.
Lời khuyên cho bố mẹ
Phụ huynh thường lo lắng và tìm cách cắt cơn ho của bé càng nhanh càng tốt (Ảnh minh họa)
Hầu như khi bé mắc các triệu chứng ho giai đoạn thể nhẹ, đa phần các bậc phụ huynh có thói quen áp dụng các bài thuốc dân gian, các lời khuyên từ người thân hay các kinh nghiệm tìm thấy trên mạng để mong nhanh chóng giảm các cơn ho cho con.
Về vấn đề này, bác sĩ Thúy chia sẻ:"Các bé mắc bệnh về đường hô hấp thường ho rất nhiều và kéo dài khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng và tìm cách cắt cơn ho của bé càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, phụ huynh cần biết rằng ho là phản xạ tự nhiên - có lợi của cơ thể để tự bảo vệ đường hô hấp hay đường thở, đường lưu thông không khí ra vào phổi, giúp loại bỏ các vật thể cản trở hoặcđờm nhầy trong đường hô hấp ra ngoài".
Vì thế, bác sĩ không khuyến cáo các bố mẹ làm mất phản xạ ho của trẻ bằng mọi cách mà thay vào đó nên dùng một số thuốc thảo dược làm loãng đờm, giảm đau rát cổ họng, giúp tống đờm ra nhiều hơn để trẻ dễ chịu hơn, dễ thở hơn và từ đó phản xạ ho sẽ tự giảm xuống cho đến khi hết hẳn. Đặc biệt lưu ý với trẻ sơ sinh cần lựa chọn thuốc ho có chỉ định rõ ràng cho đối tượng này vì trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các hoạt chất thuốc.
Ngoài ra, bố mẹ luôn phải ưu tiên giữ ấm cho bé. Khi ra đường cần mặc áo ấm, đeo khẩu trang đầy đủ. Phụ huynh nên đảm bảo bổ sung chế độ dinh dưỡng, cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, nên vệ sinh sạch sẽ mũi, miệng, họng - là các "cửa ngõ" đường hô hấp để giúp đường hô hấp thông thoáng hơn và bé dễ chịu hơn. Bố mẹ cũng nên hạn chế cho bé tiếp xúc đến các chỗ đông người, cách ly với những người mắc bệnh hô hấp vì đây là "nguồn" lây lan virus, vi khuẩn gây bệnh phổ biến và dễ dàng nhất.
Nhìn chung, các bậc cha mẹ cần chú ý chăm sóc và theo dõi các dấu hiệu ho của bé để có biện pháp điều trị chính xác. Với các triệu chứng bệnh nặng hơn như ho lâu ngày, sốt… cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Ngọc Minh