Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Mổ nội soi ca phình động mạch chủ to hiếm gặp

Khi được bác sĩ thông báo có khối phình động mạch chủ ngực với kích thước 82mm, bệnh nhân Lê Việt Hải (62 tuổi, Cần Thơ) rất ngạc nhiên. Ông không tin được một người có sức khỏe rất tốt lại mang một "quả bom nổ chậm" trong người.

Ca bệnh to nhưng vết mổ nhỏ

Bác sĩ Lương Ngọc Trung - Khoa phẫu thuật Mạch máu ở bệnh viện FV, người trực tiếp điều trị cho ông Lê Việt Hải, cho biết: "Phình động mạch chủ là bệnh chiếm 10-15% các bệnh lý tim mạch nhưng lớn tới 82mm như của bệnh nhân Lê Việt Hải là rất hiếm gặp".

vietnamnet

Ca bệnh còn đặc biệt hơn vì khối phình không những gấp ba lần người thường mà còn gấp khúc 90 độ. Điều nguy hiểm nữa là bệnh nhân không hề hay biết mà vẫn đi tập cầu lông như thường. "Chỉ cần nhảy nửa mét để đập cầu trái cầu lông nhưng khi rơi xuống thì có khi ông ấy sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa", bác sĩ Trung nói.

Biện pháp duy nhất để khắc phục phình động mạch chủ đó là đặt stent graft. Vì kích thước khối phình của bệnh nhân quá lớn nên bác sĩ Trung phải gửi đặt hàng từ Mỹ. Trong thời gian chờ đợi, anh phối hợp với bộ phận hình ảnh để xác định chính xác kích thước, vị trí động mạch cần đặt stent, cùng bác sĩ gây mê khám và đánh giá sức khỏe bệnh nhân, lường trước các tình huống và dụng cụ cần thiết. Anh chia sẻ, mổ khắc phục phình động mạch chủ ở Việt Nam đã thực hiện khá nhiều nhưng anh hết sức cẩn trọng vì đây là ca lớn, nếu phạm một lỗi nhỏ thôi thì khối phình sẽ vỡ ngay lập tức.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của bác sĩ Trung và ekip cùng với phương tiện và máy móc hiện đại, đạt chuẩn JCI của bệnh viện FV mà ca mổ diễn ra thành công tốt đẹp. Bệnh nhân được mổ bằng phương pháp hiện đại nhất với đường rạch chừng 3cm ở đùi để đưa dụng cụ vào, khéo léo vượt qua "khúc cua" 90 độ và đặt stent ở hai đầu động mạch chưa bị phình dãn. So với mổ truyền thống phải mất cả ngày và rủi ro cao thì cách mổ nội soi này rút ngắn thời gian mổ chỉ còn 3 giờ, ít đau đớn, thời gian phục hồi nhanh và giảm được nhiều biến chứng nguy hiểm như liệt chi dưới hay nhiễm trùng… Sau khi rút ống thở, bệnh nhân còn có thể đi lại được ngay.

 

Không chủ quan với phình động mạch chủ

Nói về ca bệnh của mình, ông Lê Việt Hải vẫn nhớ cảm giác vừa bất ngờ vừa ngỡ ngàng của mình: "Trước giờ sức khỏe tôi rất tốt, đi khám định kỳ không phát hiện điều gì kể cả cao huyết áp. Tôi còn đánh cầu lông ầm ầm, đi uống bia với bạn bè cơ mà". Ông không hề cảm thấy cơ thể mình có điều gì bất thường cho đến khi bác sĩ thông báo trong lần khám tổng quát cho ra kết quả rằng ông đang mang một khối phình động mạch chủ trong người.

Bác sĩ Trung giải thích thêm, khối phình đã phát triển qua nhiều năm mà nguyên nhân được phán đoán có thể do bệnh nhân từng có thói quen hút nhiều thuốc trong quá khứ. Bệnh thường gặp ở những người ngoài 50 tuổi, là hậu quả của cao huyết áp hoặc xơ vữa động mạch. Phình động mạch chủ có những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn như đau lưng, đau bụng, khó thở, ảnh hưởng giọng nói do khối phình đè lên dây thanh âm…Ở trường hợp của bệnh nhân Lê Việt Hải thì không có triệu chứng rõ rệt, vì vậy mà cách để phát hiện sớm đó là thường xuyên tầm soát phình động mạch chủ để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Điều khiến anh vui nhất với ca mổ lần này là bệnh nhân hồi phục rất nhanh. Khi thăm khám, bệnh nhân còn hỏi anh: "Bác sĩ, bây giờ thì tôi có thể an tâm chơi cầu lông được chưa?". Anh dặn dò sau thời gian một năm để stent cố định thì bệnh nhân chỉ cần kiêng rượu, thuốc lá, vận động mạnh thôi còn ngoài ra vẫn có thể tập thể dục, sinh hoạt như thường.

Anh chia sẻ niềm hi vọng của mình: "Sắp tới đây, bệnh viện FV sẽ đưa Cath Lab – phòng thông tim vào hoạt động. Như vậy sẽ có nhiều ca can thiệp động mạch chủ được tiến hành thuận tiện, an toàn và rút ngắn thời gian hơn nữa".

Lệ Thanh

Bài đăng phổ biến