Vào những ngày đầu tháng, người Việt có thói quen ăn tiết canh để lấy may cho cả tháng nhưng ít ai biết rằng kể cả là tiết canh nhà làm thì cũng đều có thể dẫn đến tử vong dù chỉ ăn 1 lần.
Tiết canh lợn, dê, vịt,… đều là máu sống mang mầm bệnh
Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Ninh - Nguyên Trưởng khoa Vi chất Dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Tiết canh của bất kì loại động vật nào thực chất đều là máu sống. Không phải là tiết canh dê, vịt thì sẽ an toàn hơn tiết canh lợn. Chúng đều chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, viêm não mô cầu,…
Và cho dù làm tại nhà hay quán thì quy trình cắt tiết chế biến rất khó để ngăn chặn vi khuẩn từ da và lông xâm nhập vào máu.
Ăn tiết canh dê, vịt,.. nhà tự làm vẫn mắc liên cầu khuẩn lợn như thường
Có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn chỉ vì ăn tiết canh….. vịt nhà tự làm. Trong tiết canh vịt sẽ không có liên cầu khuẩn lợn nhưng để hấp dẫn, người chế biến lại lấy phần sụn họng của lợn băm nhỏ rắc lên trên bát tiết canh. Phần sụn họng này lại là nơi ẩn trú nhiều nhất của liên cầu khuẩn.
Ăn tiết canh dù chỉ 1 lần vẫn có thể nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Chỉ cần ăn phải tiết canh có liên cầu khuẩn lợn, người ăn sẽ bị nhiễm bệnh mà không cần là người ăn tiết canh dài ngày.
Tiết không mát và bổ huyết
Nhiều người ăn tiết canh không phải vì ngon mà còn vì họ quan niệm rằng nó là loại thực phẩm có tính mát và bổ huyết. Tuy nhiên quan niệm này hoàn toàn sai lầm, tiết canh không hề có tác dụng đó như mọi người vẫn nghĩ.
Ăn tiết canh, sán sẽ làm tổ trong bất kì bộ phận nào
Nhiễm nang sán trong tiết canh rất khó phát hiện vì nó dễ nhầm với nhiều căn bệnh khác. Có những bệnh nhân đi khám cả năm vẫn không phát hiện ra ấu trùng sán làm tổ trong người. Bộ phận chủ yếu mà sán hay cư ngụ là não, mắt và cơ.