Một con chuột máy tính nhỏ với vô số tiện ích trong công việc nhưng lại có thể dẫn tới một rối loạn thần kinh ngoại vi rất nguy hiểm mà nhiều anh, chị em văn phòng đang gặp phải mà không hề biết.
Đó là hội chứng chuột máy tính hay hội chứng ống cổ tay. Căn bệnh này nếu chẩn đoán và điều trị muộn sẽ dẫn tới biến chứng tê nhức cả cánh tay, rối loạn lưu thông máu và teo cơ bàn tay, thần kinh teo nhỏ với khả năng hồi phục rất thấp.
Hiểm họa từ việc gõ bàn phím và di chuột!
Trước hết cần hiểu hội chứng chuột máy tính (còn gọi là hội chứng ống cổ tay) xảy ra khi dây thần kinh giữa ở cổ tay bị chèn ép quá mức. Dân văn phòng "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu" tưởng chừng sung sướng nhưng lại là đối tượng có nguy cơ cao mắc phải hội chứng này.
Thao tác với bàn phím và chuột máy tính được thực hiện với tần suất lớn và trong thời gian dài sẽ khiến bắp cơ cổ tay hoặc khớp xương bị tê, sưng, đau nhức, chuột rút.
Hội chứng chuột máy tính hay hội chứng ống cổ tay thường gặp ở dân văn phòng |
Người mắc phải hội chứng ống cổ tay sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm chắc đồ vật … Khi thức dậy vào buổi sáng hay khi đi xe máy, nhiều bệnh nhân cho biết cảm thấy đau nhức, tê bì ở các ngón tay, thậm chí đến mức đánh rơi thìa, đũa khi ăn uống.
Nếu không điều trị sớm mà cứ tiếp tục sử dụng máy tính, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như: hỏng dây thần kinh cổ tay, cơ bắp bị hoại tử, bàn tay biến thành màu đen sẫm… Lúc này bệnh nhân không chỉ chịu đau đớn mà còn suy giảm khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bắt đầu từ những triệu chứng đơn giản
Nếu gặp phải các triệu chứng điển hình sau đây thì hãy nghĩ đến hội chứng chuột máy tính (hội chứng ống cổ tay):
• Tê rần, nóng rát hoặc đau các ngón tay, đặc biệt là đau ở ngón tay cái.
• Có cảm giác như bị điện giật, nhất là ở ngón cái và các ngón tay gần đó.
• Đau và tê bì có thể lan rộng đến toàn bộ bàn tay hoặc thậm chí đến cổ tay và cẳng tay nhưng hiếm khi qua khủy đến vai.
Vì đặc trưng của các triệu chứng này là thường bắt đầu dần dần mà không có một chấn thương cụ thể nào nên nhiều người bệnh chủ quan, lầm tưởng đây chỉ là tình trạng mỏi tay sau một ngày dùng máy tính nhiều.
Đơn cử như trường hợp của chị N.T.Hà Ly (35 tuổi, nhân viên ngân hàng). Chị cho biết mình bắt đầu có cảm giác châm chích ở ngón ta cái và ngón trỏ cách đây vài tháng nhưng không đi kiểm tra. "Mình cứ nghĩ là do cả ngày hôm đấy phải làm báo cáo trên máy tính nên mỏi tay. Sau đó công việc giảm bớt nên lại thấy bình thường, vẫn tiếp tục ngày 8 tiếng gõ máy tính. Đến khoảng 2 tháng sau thì mình bị đau nhiều hơn, cầm nắm đồ vật không chắc. Lúc đấy đi khám thì mới biết là đã bị hội chứng chuột máy tính."
Bệnh thường bắt đầu từ từ với các triệu chứng nhẹ nhàng như đau, tê bì, có cảm giác châm chích ở các ngón tay… |
Chia sẻ về vấn đề này, các bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc cho biết không chỉ chủ quan, nhiều người bệnh hội chứng chuột máy tính còn lầm tưởng các triệu chứng này là do phong tê thấp và tìm đến các loại thuốc đông y, tây y để chữa trị. Vì không đúng bệnh nên vừa tốn kém lại vừa không có tác dụng, đến khi bệnh tiến triển phức tạp thì mới bệnh viện để chạy chữa thì đã muộn.
Nên điều trị càng sớm càng tốt
Đối với các trường hợp hội chứng chuột máy tính ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ cần cho tay được nghỉ ngơi thường xuyên hơn, có thể chườm lạnh để giảm bớt đau và sưng phù.
Trong trường hợp bệnh đã tiến triển nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc như thuốc kháng viêm không steroid, các corticosteroid tiêm tại chỗ hay dạng uống... Phẫu thuật có thể được lựa chọn khi người bệnh bị tổn thương chèn ép thần kinh ở mức độ nặng, teo cơ nhiều.
Khám và điều trị ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ, tránh gặp phải những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới cả sức khỏe và khả năng lao động sau này. |
Lời khuyên từ bác sĩ
Hội chứng chuột máy tính hay hội chứng ống cổ tay là một căn bệnh thường gặp nhưng ít người để ý và khi bệnh đã trở nặng thì biến chừng lại rất nguy hiểm. Vì thế những người làm công việc văn phòng hay các nghề nghiệp khác có sử dụng cổ tay nhiều nên chủ động ngăn chặn và thăm khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Minh Tuấn