Nhiều nguyên nhân dẫn tới cái sự nhầm lắm. Người bệnh có thể thay đổi số phận của mình chỉ bằng một câu hỏi đơn giản: "Bác sĩ/y tá ơi, biết tôi là ai không?"
Là người bệnh, đang đau đớn với chấn thương – với bệnh tật của mình, được đưa vào tới bệnh viện là thấy trong lòng yên tâm tám chín phần. Được bác sĩ thăm khám, cho thuốc rồi y tá chích thuốc xong là thấy mình như được sống lại, mười phần yên tâm. Ai mà không phấn khởi.
Vậy mà, có mấy ai còn đủ tỉnh táo để tự hỏi: "Sao mũi kim vừa rồi không chích cho ông bên cạnh mà lại chích cho mình nhỉ?"
Mà cũng lạ, ông giường bên cạnh cũng bệnh, mình cũng bệnh, sao chỉ chích cho mình? Mà sao lúc chích, chẳng thấy cô y tá hỏi tên mình? Chẳng may chích… lộn thuốc của ông giường bên cạnh thì sao ta? Mà chuyện "hột vịt lộn" người bệnh này, có dễ xảy ra không ta?
Nếu bạn biết, ở Anh Quốc – một quốc gia hàng đầu thế giới khác về khả năng Quản lý Chất lượng cho cơ sở y tế – đã nhận được 24.382 báo cáo của các cơ sở y tế ở Liên Hiệp Anh về việc chăm sóc nhầm người bệnh trong suốt 2 năm 2006-2007!
NHẦM ở đây nghĩa là sao? Là lẽ ra chích cho ông A thì lại chích ông B; là khám bệnh cho ông C lại ghi vào hồ sơ bệnh án của ông D; là mẫu xét nghiệm nước tiểu của ông E lại để trong lọ ghi tên ông F; là thay vì mổ chân phải thì lại đi mổ chân trái; là… là... trăm muôn nghìn kiểu nhầm.
Nhiều nguyên nhân dẫn tới cái sự nhầm này lắm, nhưng chắc chắn là trong nhiều trường hợp, người bệnh cũng có đóng góp và đương nhiên cũng có thể thay đổi số phận của mình! Chỉ bằng một câu hỏi đơn giản: "Bác sĩ/y tá ơi, biết tôi là ai không?"
Khi hỏi được câu này, bạn đã gần như tránh được sự nhầm lẫn không đáng có cho nhân viên y tế đang phục vụ bạn và đương nhiên, đó là sự an toàn cho chính bạn!
Và đây cũng chính là khuyến cáo của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cho chính người bệnh chúng ta:
"Khuyến khích bệnh nhân và gia đình hoặc những người đại diện của mình tham gia tích cực trong việc xác định danh tính, bày tỏ quan ngại về sự an toàn và các lỗi tiềm năng, và đặt câu hỏi về tính đúng đắn của việc chăm sóc họ".
Thế giới đã làm gì để giúp người bệnh được nhận dạng đúng, và các cơ sở y tế ở Việt Nam đang ở đâu trên con đường này?
Ở "ngoài đời" chúng ta đã quen với việc được xác định qua số CMND, họ tên, tuổi, địa chỉ,.. trong đó số CMND gần như là lựa chọn quan trọng nhất cho các dịch vụ liên quan đến cơ quan hành chính. Sở dĩ nhà nước dùng CMND vì số CMND/căn cước là duy nhất cho mỗi người Việt chúng ta.
Ấy vậy mà khi nằm viện, chúng ta thường chỉ được gọi đơn giản là "Bà Dần, 30 tuổi", hay "Ông Mão, 40 tuổi". Hoặc có khi, cô y tá chỉ hỏi "Bác ở phòng 2 giường 5 đâu?" rồi lụi cho một cái đau điếng.
Ở Việt Nam, có nhiều người tên trùng tên không ta? Thưa có, rất rất nhiều! Vậy vừa trùng tên vừa trùng tuổi? Thưa có, vô cùng nhiều! Vậy chẳng may hai vị ấy chui vào bệnh viện nằm cùng lúc thì sao ta? Ây da, thì tốt nhất là hai ông tự bắt tay nhau rồi một ông đi kiếm bệnh viện khác mà nằm. Không thì quả là các vị ấy đang làm khó nhân viên y tế chỉ vì trùng tên, trùng tuổi.
Tôi đang đùa thôi. Các bác đừng vội bắt tay nhau rồi đi kiếm bệnh viện khác nằm nha.
Trường hợp khác, vừa vào viện, người bệnh mình nhanh nhanh kiếm luôn giường ở sát cửa sổ cho nó mát, rồi vênh mặt với cả phòng. Nhưng đôi khi các cô y tá chỉ ghi tên những bệnh nhân mình quản lý lên tấm bảng trong phòng trực, với vỏn vẹn các thông tin: "tên, phòng, giường" rồi khi nhận được chỉ định của bác sĩ, cứ thế họ cầm thuốc đi tiêm thôi, thì sao?