Khối bướu ăn lan gần như toàn bộ cơ thể từ vùng mang tai đến tận phần mông bé gái, đồng thời bị nhiễm trùng nặng. Nếu không mổ khẩn cấp, gần như không còn khả năng cứu được bệnh nhi.
Ngày 31-10, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa phẫu thuật bóc tách thành công, cứu sống một bé gái sơ sinh mang trên người.Bé gái tên Đ.T.C.V, sinh ngày 6-10-2017 tại BV Từ Dũ và được gia đình chuyển đến BV Nhi Đồng 1 ba tiếng sau đó vì trên người có khối bướu vùng cổ và ngực.
"Khối bướu vùng cổ ban đầu nhỏ nhưng sau 10 ngày đã phát triển nhanh chóng với kích thước bằng cơ thể của bé, kéo dài từ vùng cổ, vai và phình ra toàn bộ thành ngực hông trái vô hố thượng đòn, có xuất huyết, kích thước 15cmx25cmx10cm. Đặc biệt, khối bướu đã bị nhiễm trùng nên bệnh nhi bị sốt liên tục không giảm, da trên bướu phù nề đỏ" - Ths BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết về tình trạng của bệnh nhi.
BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 chia sẻ về ca bệnh.
Khối bướu cực khủng và phức tạp.
Theo các BS, vì khối bướu xen lẫn vào lớp cơ thành ngực, thành bụng, lan đến các khoảng liên sườn, dính vào bó mạch nách, đám rối thần kinh cánh tay nên rất khó bóc tách. Diện tích bướu rộng nên việc đảm bảo nguồn da ghép cho bệnh nhi, để vùng da sau mổ không bị phơi bày tự nhiên cũng là một thách thức.
Hơn thế vì là bệnh nhi sơ sinh, chỉ cần mất một lượng máu rất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lớn đến mạng sống đứa bé, nhất là khi khối bướu đã nhiễm trùng. Thế nhưng trước tình trạng quá cấp bách, ekip điều trị vẫn quyết định phẫu thuật cho bé gái vào ngày 26-10.
Việc bảo đảm cho vùng da sau mổ không bị phơi bày để tránh tình trạng nhiễm trùng cho bệnh nhi cũng là một vấn đề khó khăn.
Ekip phẫu thuật gồm các BS thuộc khoa Ngoại tổng hợp và khoa Gây mê hồi sức đã có gần 8 tiếng đồng hồ căng não để bóc tách khối bướu ra khỏi cơ thể bé gái. Nhờ quá trình chuẩn bị kỹ càng nên cuộc mổ thành công, vết mổ không rỉ thêm dịch. Các BS đã lấy ra 1 khối bướu khoảng 1kg, chiếm gần 1/4 cân nặng của bệnh nhi.
Trong cuộc mổ, bé được truyền đến 375 ml HCL cùng nhóm và 300 ml huyết tương tươi đông lạnh.
20 giờ sau mổ, bé được cai máy thở, hiện được chăm sóc tại khoa Sơ sinh của BV.
Đây là ca bệnh cực kỳ hiếm gặp.
Theo các BS, bướu máu tương đối phổ biến, nhưng xuất hiện ở trẻ sơ sinh và cân nặng lớn đến vậy thì rất hiếm. Trường hợp tương tự gần nhất mà y văn ghi nhận là tháng 2-2016 trên một bé gái người Trung Quốc. Tính trên bình diện thế giới thì đây là ca thứ sáu.
Sau mổ, sức khoẻ bệnh nhi đã ổn định.
Hiện bé gái đang tiếp tục điều trị tại khoa Sơ sinh.
Có mặt tại BV, bà Trần Thị Thảo (51 tuổi), bà ngoại bé gái không giấu nỗi sự vui mừng. Bà cho biết, trước đó con bà có đi siêu âm tiền sản thì phát hiện thai nhi có u vùng cổ, ngực trái vào 16 tuần tuổi nhưng nghĩ không sao nên vẫn để lại.
Được biết hoàn cảnh của cha mẹ bé V. rất khó khăn. Trước khi sinh bé, mỗi ngày chị phải thức từ 3 giơ rưỡi sáng để đi làm công nhân và tăng ca đến tối mịt mới về. Nếu không có sự giúp đỡ từ BV và cộng đồng, gia đình khó có thể kham nổi tiền viện phí cho bệnh nhi.
Theo aFamily/Trí Thức Trẻ