- Sỏi thận hình thành khi nồng độ chất khoáng trong nước tiểu tăng cao hay lượng nước tiểu quá ít, lắng đọng lại ở thận.
Nếu sỏi thận nhỏ, có thể tự đẩy ra ngoài theo đường tiểu. Nhưng nếu sỏi lớn, viên sỏi di chuyển cọ xát vào đường niệu có thể gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu hoặc sỏi thận bị kẹt trong cuống đài thận, gây tắc nghẽn, ứ đọng nước tiểu, gây viêm nhiễm, suy thận...
Có bốn loại sỏi thận, chúng được hình thành bởi những nguyên nhân khác nhau:
1. Sỏi canxi
Là loại sỏi thường gặp nhất trong các loại sỏi, chiếm khoảng 80% các trường hợp. Bình thường, sỏi canxi cứng, có nhiều hình dạng, kích thước, mật độ khác nhau. Nguyên nhân chính là tình trạng nước tiểu quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ống thận. Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy canxi niệu tăng cao. Bình thường, hàng ngày thận sẽ đào thải khoảng 300mg canxi qua nước tiểu, trường hợp nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi, lượng canxi đào thải qua nước tiểu có thể tăng lên 800 - 1.000mg trong 24 giờ với chế độ ăn bình thường.
Nguyên nhân thứ hai là giảm citrate niệu. Citrat niệu có tác dụng ức chế kết tinh các muối canxi. Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ máu thì thường citrate niệu giảm. Khi thiếu citrate nước tiểu sẽ bão hòa muối canxi tạo điều kiện kết tinh sỏi. Nguyên nhân thứ ba là nước tiểu quá bão hòa về oxalate. Nếu bị ngộ độc C, thức ăn chứa nhiều oxalat sẽ dẫn đến tình trạng này hoặc ở người bị viêm ruột, cắt bỏ phần ruột non, người có rối loạn chuyển hóa. Những loại rau có hàm lượng oxalat cao bao gồm: cần tây, tỏi tây, củ cải, khoai lang, đậu xanh, đậu nành, bí, ớt, cà tím, măng tây, đào lộn hột, rau diếp, nho, mận (miền Bắc), trà,…
2. Sỏi struvite hay sỏi nhiễm trùng
Sỏi struvite chiếm khoảng 10% các loại sỏi thận. Sỏi struvite là do nhiễm khuẩn lâu dài đường tiết niệu, vi khuẩn giải phóng chất khiến giảm hòa tan struvite, tạo điều kiện hình thành sỏi. Sự xuất hiện sỏi struvite hầu như luôn đi kèm với tình trạng tắc nghẽn hay nhiễm trùng đường tiểu. Vì thế, trong trường hợp này, việc dùng kháng sinh được xem là một bước bắt buộc, không thể thiếu trong quá trình điều trị.
3. Sỏi acid uric
Thường gặp ở những người có nồng độ acid uric cao, chiếm khoảng 10% các trường hợp sỏi thận. Sỏi acid uric không cứng và cũng không dễ phát hiện bằng tia X như sỏi canxi. Lý do là nước tiểu quá bão hòa acid uric tạo điều kiện gây sỏi urat và thường có tăng acid uric niệu đi kèm. Sỏi acid uric gặp trong tăng acid uric máu, , trong một số trường hợp di truyền, béo phì, những người tiểu đường kháng insulin. Người bệnh nên có những xét nghiệm về bệnh mắc kèm và cần giảm ăn những thức ăn quá nhiều đạm.
4. Sỏi cystin
Sỏi cystin rất hiếm, hình thành do cystin bị đào thải nhiều qua thận nhưng ít hòa tan nên dễ đọng thành sỏi. Trong các loại thì sỏi cystin có tính di truyền rõ rệt nhất. Những người với tiền sử gia đình có người mắc bệnh có nguy cơ cao bị mắc loại sỏi này.
Thành Luân(tổng hợp).
Để phòng ngừa cũng như giảm nguy cơ xảy ra các cơn gút cấp, bạn cần tuân thủ theo thực đơn dành cho người bị gút sau đây.
Người bị bệnh gút nên vận động cơ thể bằng những bài tập nhẹ nhàng. Việc tập thể dục có thể giúp ngăn chặn những cơn phát tác của bệnh gút.
Lâu nay có bài thuốc dân gian bình dân chữa trị bệnh gút hiệu quả, không tốn kém, dễ thực hiện, nhiều người tin dùng là sử dụng đậu xanh như một phương thuốc.