Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ mỗi 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%.
Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là căn bệnh rất phổ biến và nguy hiểm trong xã hội hiện đại. Căn cứ vào số liệu trên, đột quỵ chính là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Liệt nửa người vì đột quỵ khi quá chén
Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) đã tiếp nhận trường hợp của anh N.T. X, (39 tuổi, một nhân viên văn phòng ngụ quận 6, TP.HCM). Đang hoàn toàn khỏe mạnh, làm việc, sinh hoạt bình thường, một buổi tối, anh đang đứng trong nhà bỗng thấy tay chân phải không điều khiển được. Sau đó, anh dần lơ ngơ, không nói gì được, cũng không có phản ứng với lời người khác.
Người đàn ông đột quỵ được cứu sống nhờ đưa đến BV kịp thời.
Người vợ lập tức đưa chồng đến BV cấp cứu. Tại đây, các BS chẩn đoán anh X. bị đột quỵ cấp và khởi động quy trình báo động cấp cứu đột quỵ. Ekip điều trị gồm các BS cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, điều dưỡng và các kỹ thuật viên đã tiến hành làm xét nghiệm, chụp cắt lớp não đồng thời giải thích tình trạng người bệnh với gia đình.
Chỉ trong vòng 15 phút từ khi được đưa đến BV, bệnh nhân được tiêm thuốc thông mạch. Sau đó anh được đưa ngay đến phòng can thiệp để được rút huyết khối thông mạch. Sau nhiều thủ thuật, các mạch máu não của anh X. đã thông suốt hoàn toàn chỉ sau 1 giờ 30 phút, bệnh nhân có thể nói chuyện, tuy tay chân cử động còn yếu. Ngày hôm sau, bệnh nhân được xuất viện.
Không may mắn như anh X., trong một chuyến du lịch Vũng Tàu, chị G. (47 tuổi, ngụ TP.HCM) đột quỵ sau khi quá chén cùng vài người bạn. Sự việc chỉ được phát hiện khi người thân lay gọi dậy nhưng chị G. không có bất kì phản ứng gì.
Đột quỵ chính là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam
TS BS. Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị đột quỵ, Phó Trưởng Khoa Thần kinh, BV ĐHYD chia sẻ: "Khi được đưa đến BV, người bệnh đã trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người, không phản ứng gì với lời nói người khác. Tiến hành khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp, chúng tôi chẩn đoán chị G. bị đột quỵ thiếu máu não nặng do tắc một động mạch lớn trong lúc ngủ. Tuy nhiên, người bệnh được đưa đến bệnh viện hơn 12 giờ sau khi bị tắc mạch máu não, vượt quá "thời gian vàng" trong điều trị đột quỵ, gần một nửa bộ não của chị đã bị hư hại nên không thể can thiệp tái thông mạch máu. Chị G. được cứu sống, nhưng bị liệt nửa người, suy giảm nhận thức và khả năng giao tiếp, cuộc sống phía trước chỉ gói gọn trên giường bệnh và chiếc xe lăn".