Bức ảnh chụp CT não bộ của 2 em bé, 1 bộ não phát triển to bình thường và 1 bộ não bị teo nhỏ, đó là kết quả của 2 cách chăm sóc và dạy con hoàn toàn trái ngược nhau.
Bức ảnh chụp não cho thấy 2 cuộc đời khác nhau của 2 em bé cùng độ tuổi
Mới đây, trong một bài báo của giáo sư Bruce Perry, Trưởng khoa tâm thần tại Bệnh viện Nhi đồng Texas (Mỹ), hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (chụp CT scan) của hai em bé 3 tuổi, một bé khỏe mạnh, sống trong gia đình hạnh phúc và một bé bị chấn thương tâm lý vì bị bỏ rơi, lạm dụng đã khiến biết bao bậc phụ huynh phải giật mình suy nghĩ.
Hình ảnh chụp CT bộ não 2 đứa trẻ cùng độ tuổi. Bên trái là não của trẻ bình thường và bên phải là não của trẻ bị bỏ mặc, lạm dụng tinh thần hoặc thể chất.
Giáo sư Bruce Perry lý giải: "Bức ảnh trên cho thấy những cảm xúc tiêu cực do trẻ bị bỏ rơi, bị lạm dụng tinh thần và thể chất đã tác động nghiêm trọng tới bộ não. Bộ não bên phải nhỏ hơn so với bộ não bên trái, đồng thời xuất hiện tình trạng não thất phình to, vỏ não bị teo lại. Như vậy, em bé bên phải với bộ não bị teo chắc chắn sẽ chậm phát triển và gặp các vấn đề liên quan đến trí nhớ".
Mặc dù không nói rõ về điều kiện sống cụ thể của em bé với bộ não bị teo kia, nhưng giáo sư Perry chia sẻ, trẻ bị bỏ rơi, thiếu tình thương, điều kiện chăm sóc dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu kiến thức về cuộc sống xung quanh sẽ trở thành đối tượng dễ bị lạm dụng. Não trẻ teo nhỏ hơn, cấu trúc não mờ nhạt và ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức sau này của trẻ.
Ngược lại, hình ảnh não em bé bên trái với vỏ não dầy hơn, não thất không bị phình là em bé được sinh ra và nuôi dưỡng trong môi trường đầy đủ, trẻ được cha mẹ quan tâm, yêu thương và không phải chịu lạm dụng, bạo lực.
Thêm 1 hình ảnh cho thấy bộ não trẻ bị thiếu tình thương, ít giao tiếp teo nhỏ hơn so với não trẻ bình thường.
Trẻ sống thiếu thốn tình yêu thương, bị lạm dụng có nguy cơ , chậm phát triển
Những năm tháng thơ ấu được sống trong tình thương hay bạo lực, chế độ chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng hay không có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của trẻ (Ảnh minh họa).
Teo não là hiện tượng thường gặp ở người cao tuổi khi não thoái hóa, người mắc bệnh Alzheimer khiến suy giảm trí nhớ. Thế nhưng 1 em bé 3 tuổi - độ tuổi phát triển sung mãn nhất về trí não lại có hiện tượng này thì quả thực rất đáng suy ngẫm. Những em bé phải chịu bạo hành thể chất thì não có thể bị tổn hại cấu trúc, gây ảnh hưởng tiêu cực và dẫn đến những biến chứng kéo dài suốt đời như động kinh, mất ý thức, thậm chí tử vong.
Tổ chức NSPCC - Hiệp hội quốc gia về ngăn ngừa tệ nạn ngược đãi trẻ em (National Society for the Prevention of Cruelty for Children) đã công bố những con số đáng báo động, trong đó có hơn 58,000 trẻ em được xác định là đối tượng cần được bảo vệ khỏi bị lạm dụng ở Anh vào năm 2016. Còn ở Mỹ, báo cáo ghi nhận có tới 7,2 triệu trẻ em có liên quan tới các vụ lạm dụng, bạo hành.
Tiến sĩ Perry cho biết thêm, về lâu dài, trẻ bị lạm dụng, bỏ rơi, thiếu sự quan tâm chăm sóc có thể phải trải qua 1 loạt các khiếm khuyết về cảm giác, nhận thức, khuyết tật về hành vi, cảm xúc. Điều này giải thích vì sao những đứa trẻ bị thiếu tình cảm sẽ cố gắng đấu tranh để tạo ra các mối quan hệ khác tốt đẹp hơn, hậu quả là trẻ mắc rối loạn luyến ái, trở nên quá phụ thuộc vào người khác, hoặc trẻ có thể cảm thấy khó khăn để gần gũi, thân mật với mọi người.
Trẻ được cha mẹ quan tâm, chăm sóc đầy đủ có bộ não phát triển bình thường, khả năng nhận thức nhạy bén hơn
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Mỹ cũng đưa ra kết luận rằng trẻ được cha mẹ quan tâm, yêu thương và chăm sóc đầy đủ có bộ não phát triển bình thường, to gấp đôi so với trẻ bị cha mẹ bỏ bê, thiếu thốn tình thương. Nhà nghiên cứu Joan Luby, một bác sĩ tâm thần học của Đại học Washington (Mỹ) nhấn mạnh: "Não bộ trẻ em luôn phản ứng đặc biệt nhiều hơn, phát triển tốt hơn khi được mẹ chăm sóc, bày tỏ tình yêu với trẻ".
Kết luận lại bài báo gây nhiều suy nghĩ cho các bậc làm cha mẹ, giáo sư Perry khẳng định: "Sự phát triển lành mạnh, hoàn thiện đầy đủ của hệ thống thần kinh ở trẻ em phụ thuộc vào việc trẻ có được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo từ khi mới sinh ra hay không, trẻ có được tạo cơ hội để hình thành và duy trì các mối quan hệ đa dạng với bạn bè và người lớn khác trong suốt thời thơ ấu của mình hay không. Nhờ đó, trẻ mới có thể phát triển các mối quan hệ xã hội và trở thành đứa trẻ có ích với tương lai tốt đẹp hơn sau này."